Phát biểu kết thúc đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV qua hình thức họp trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá Quốc hội đã hoàn thành rất thành công chương trình kỳ họp.
Quang cảnh Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ngày 28/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tám theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Thời gian đầu phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được chỉ ra trong Báo cáo số 426/BC-CP của Chính phủ; là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu tổng quát của chương trình: Giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Đối tượng điều chỉnh của Chương trình gồm: Thôn, bản, buôn, làng, ấp... (gọi chung là thôn), xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số. Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.
Chương trình thực hiện ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên. Phân định theo trình độ phát triển, bao gồm địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn), địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II), địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I). Thời gian thực hiện Chương trình: 10 năm (2021-2030), chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: 2021-2025; Giai đoạn 2: 2026-2030.
Thời gian còn lại của phiên họp sáng, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật này.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nhiều ý kiến của đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề cụ thể để hoàn thiện dự thảo luật như lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư; lĩnh vực đầu tư dự án; quy mô đầu tư dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án PPP; nguồn vốn thực hiện dự án; các quy định đối với hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT).
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá các ý kiến tranh luận của đại biểu có nội dung phong phú, đa dạng, sâu sắc, toàn diện; trong đó cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, biểu quyết.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Sau nội dung này, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Thảo luận dự án Luật, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của Báo cáo: Về bổ sung một số loại hình thiên tai; về nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai; về ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai; về Quỹ phòng, chống thiên tai; về thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; về quy định cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên; về sử dụng bãi nổi, cù lao...
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến góp ý tại phiên thảo luận sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, biểu quyết.
Ngoài ra, phát biểu kết thúc chương trình đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV qua hình thức họp trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá Quốc hội đã hoàn thành rất thành công chương trình đợt 1 của kỳ họp. Hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.
Chương trình đợt 2 từ ngày 8-18/6/2020, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội để xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị chu đáo về nội dung, điều kiện bảo đảm để hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-hoan-thanh-rat-thanh-cong-chuong-trinh-dot-1-cua-ky-hop/642733.vnp