Cập nhật: 03/06/2020 15:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo một số chuyên gia, vụ án ông Lương Hữu Phước bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt 3 năm tù về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ vẫn còn nhiều điểm chưa được làm rõ.

Một số lời khai chưa được làm rõ

Như thông tin vụ án, khoảng 13h ngày 15/1/2017, sau khi đã uống rượu, ông Lương Hữu Phước chở ông Trần Hữu Quý về nhà.  Đến gần nhà ông Quý, ông Phước sang đường thì bị xe của anh Lâm Tươi (sinh năm 1997) chở anh Trị Tiếp tông vào khiến ông Phước bị thương, còn ông Quý chết sau đó 3 ngày. Hồ sơ vụ án thể hiện ông Phước có nồng độ cồn 0,69mg/l khí thở, còn anh Tươi có nồng độ cồn 0,57mg/l khí thở. Tươi không có bằng lái xe.

 

Sau khi bị tuyên án, ông Phước vào TAND tỉnh Bình Phước rồi nhảy lầu tự sát.

Tai nạn xảy ra trên đường Nguyễn Huệ là đường 2 chiều, mặt đường rộng 7m, trải nhựa bằng phẳng, tầm nhìn không hạn chế. Vụ tai nạn làm vành xe trước của Lâm Tươi biến dạng; bugi và thanh tản nhiệt đầu nòng bên phải xe ông Phước gãy, gác chân bên trái xe ông Phước bị bào mòn.

Dấu vết để lại hiện trường là 1 vết cà được xác định do xe ông Phước tạo ra dài 0,8m nằm ở phần đường bên phải theo hướng Trạm Điện đi Sóc Miên. Điểm đầu vết cà cách lề phải đường 2,2m.

Bốn tháng sau, ông Phước bị khởi tố, xét xử và bị tuyên phạt 3 năm tù. Chiều 29/5, cho rằng mình bị oan, ông Phước đến TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử.

Theo một thẩm phán đang công tác tại TPHCM, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định điểm va chạm đầu tiên là điểm đầu của vết cà, cách lề chuẩn khoảng 2,2m. Vì sao xác định được điểm đụng này?

Bởi khi đụng xe của Tươi bị nổ bánh và gấp niềng (vành), do vậy xe của Tươi gần như không có sự di chuyển. Còn xe ông Phước sẽ bị đẩy về phía sau tạo ra vết cà 0,8m.

Đầu vết cà cách lề chuẩn là 2,2m, mặt đường rộng 7m thì một chiều đường rộng 3,5m. Như vậy thời điểm tai nạn, đầu xe ông Phước đã sang làn đường bên kia, cách tim đường khoảng 1,3m. Điểm đụng được xác định là vào phần bugi xe ông Phước.

Theo lời khai của Tươi, Tươi phát hiện ông Phước cách đó khoảng 50m và đánh lái về bên phải. Nếu đúng như Tươi khai thì có khả năng Tươi đang đi sai làn đường. Còn nếu Tươi đang đi thẳng theo chiều đường của mình thì Tươi đang đi rất xa lề phải.

"Phải xem xét rất kỹ lời khai của Tươi để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Bởi nếu Tươi đã phát hiện xe của ông Phước từ cách đó 50m thì phải giảm tốc độ, quan sát mặt đường dù Tươi đang lưu thông trên chiều ưu tiên để xem xét có lỗi hay không của cả 2 người. Tuy nhiên các bản án đều không đề cập đến lời khai này của Tươi", vị thẩm phán phân tích.

Cần xác định lỗi của từng bên

Luật sư Nguyễn Thành Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội, cựu Kiểm sát viên) cho rằng, bản án phúc thẩm thể hiện vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Vụ án này xảy ra do lỗi hỗn hợp của nhiều bên (liên quan trực tiếp vụ tai nạn) nên cần phải xem xét lại thận trọng các chứng cứ.

Trong đó, theo kết luận của cơ quan điều tra, Lâm Tươi - người chạy xe máy chở anh rể va chạm với ông Phước gây ra tai nạn chết người không có bằng lái, uống rượu khi chạy xe... Ông Tươi có lúc khai phát hiện xe của ông Phước cách 50m, lúc khai cách xe ông Phước 5m thì giật mình bẻ lái qua phải tông chéo vào bộ tản nhiệt của xe ông Phước.

"Cần phải xem xét lại lời khai của ông Tươi bởi những chi tiết này cùng với kết quả khám nghiệm hiện trường về vết phanh xe của ông Phước cho thấy đây cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn. Nếu có căn cứ cho rằng hành vi sai phạm của ông Tươi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn cần phải xử lý để tránh lọt người lọt tội", ông Sơn nhận định.

Cùng quan điểm trên, một kiểm sát viên công tác tại Viện KSND TPHCM cho biết trong vụ án này, cần xác định chính xác lỗi từng người (tức bị cáo Phước và Lâm Tươi), để có hướng xử lý trách nhiệm hình sự và đưa ra mức hình phạt phù hợp. Nguyên tắc khi lưu thông phải ưu tiên cho người đi đúng phần đường của họ. Sơ đồ hiện trường thể hiện vị trí tai nạn là 2m cách lề phải, tức phần lỗi thuộc về bị cáo. Nhưng đối với Lâm Tươi, HĐXX cũng cần phải làm rõ người này đi với tốc độ như thế nào, có đi đúng phần đường hay không, niềng xe của Lâm Tươi cong vòng thì phải làm rõ, do tốc độ hay chất lượng niềng xe…

Cũng theo vị kiểm sát viên trên, theo lời khai của bị cáo Phước, Lâm Tươi và những nhân chứng khác, bị cáo sang đường với tốc độ chậm. Do đó, cũng cần đặt vấn đề nếu Lâm Tươi đi đúng tốc độ cho phép, quan sát, thì khi phát hiện xe ông Phước qua đường, dù với tâm thế như thế nào đi nữa, cũng vẫn tránh được va chạm và có thể thắng kịp thời. Ngoài ra, khi xác định lỗi các bên thì cần đánh giá lỗi của người bị hại trong vụ án này.

Theo Hồng Lĩnh/dantri.com.vn

 

Tệp đính kèm