Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khiến các doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển sụt giảm mạnh cả về sản lượng hàng hóa và doanh thu. Từ đó, các đơn vị này mong muốn sớm có sự hỗ trợ đồng hành từ Chính phủ để "vượt bão" giữa đại dịch.
Tàu chở công-ten-nơ của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) khai thác tuyến nội địa bắc nam.
Vận tải biển lao dốc
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, lượng tàu khách và hành khách thông qua các cảng thời gian qua giảm rõ rệt vì dịch Covid-19, nhất là tàu khách du lịch quốc tế đến cảng. Lượt hành khách quốc tế trong quý I-2020 chỉ còn hơn 1.600 người, giảm 36% so cùng kỳ năm trước, trong tháng 3 chỉ có hai tàu cập cảng. Báo cáo của đại lý tàu biển, do ảnh hưởng của dịch, tất cả hãng tàu du lịch thông báo hủy toàn bộ các chuyến tàu khách quốc tế dự kiến đến cảng biển Nha Trang, Vũng Tàu đến hết quý I và khả năng đưa tàu khách quốc tế đến cảng biển tùy thuộc vào diễn biến của dịch. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển không bị tác động nhiều, vẫn có xu hướng tăng, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn. Trong quý I, sản lượng hàng hóa đạt hơn 159 triệu tấn, tăng 8,4% so cùng kỳ năm 2019, trong đó, hàng công-ten-nơ gần 5,1 triệu tấn, tăng 14% so năm 2019.
Với tàu hàng, theo báo cáo của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco), quý I vừa qua, doanh thu hợp nhất của đơn vị này chỉ đạt hơn 347,5 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế âm hơn 86,4 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2019, tổng doanh thu của Vosco giảm hơn 76,5 tỷ đồng (năm 2019 là hơn 424 tỷ đồng), mức lỗ ước tăng hơn 40,7 tỷ đồng. Ðại diện Vosco cho biết, nửa đầu quý I, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc (thị trường chủ chốt của khu vực), hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển tại đây gần như tê liệt, giá cước giảm sâu. Khi dịch lan rộng, các quốc gia thực hiện phong tỏa biên giới, cảng biển, hàng hóa trở nên khan hiếm, giá cước thấp kéo dài. Mặt khác, từ đầu năm 2020, theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới, các tàu phải chuyển sang nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (0,5%). Trong tháng 1, giá loại nhiên liệu này tăng rất cao, tuy sau đó có giảm nhưng vẫn không bù được sự sụt giảm về doanh thu. Khi các quốc gia phong tỏa biên giới, cảng biển, tàu nằm chờ dỡ hàng, lấy hàng vẫn phải bỏ chi phí nhiên liệu, tiền lương nhân công,… từ 3.000 đến 7.000 USD/ngày. Trước khi xảy ra dịch, tàu tải trọng 40 đến 50 nghìn DWT của Vosco chạy tuyến biển xa có thể kiếm được 19 nghìn đến 20 nghìn USD/ngày, hiện nay giảm xuống còn khoảng 60 đến 70%. Tại thị trường trong nước, trong quý I, lượng hàng công-ten-nơ nội địa của Vosco giảm tới 20 đến 30% chiều từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh. Giá cước giảm từ 10 đến 20%, còn khoảng 5,5 triệu đồng/công-ten-nơ 20 phít và 6 triệu đồng/công-ten-nơ 40 phít (chiều Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh) và khoảng 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/công-ten-nơ 20 phít (chiều ngược lại).
Theo đánh giá của một số tổ chức, đơn vị nghiên cứu ngành hàng hải, trong vòng 10 tuần đầu năm nay, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán, ngành vận tải biển thế giới đã sụt giảm hơn 1,7 triệu TEUs. Giá cước vận tải đường biển trung bình sụt giảm tới 80% kể từ khi dịch bùng phát. Dịch Covid-19 lây lan và kéo dài trên nhiều quốc gia đã tác động mạnh vào các hoạt động dịch vụ hàng hải của Vinalines. Tính chung toàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), sản lượng vận tải biển cũng sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt gần 4,7 triệu tấn, bằng 84% so cùng kỳ năm 2019. Tình trạng này khiến doanh thu hợp nhất của Vinalines chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Bức tranh tài chính từ lãi 24 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019) chuyển sang lỗ hợp nhất hơn 111 tỷ đồng trong quý I vừa qua.
Chờ hỗ trợ để "vượt bão"
Dự kiến, trong quý II này, hoạt động dịch vụ của hàng hải nói chung và Vinalines nói riêng vẫn tiếp tục bị tác động mạnh khi những mặt hàng chủ lực là may mặc, giày da, đồ gỗ hiện đang đóng góp khoảng 60 đến 70% sản lượng xuất khẩu chuyên chở tuyến xa sẽ bị sụt giảm mạnh do giảm nhu cầu tại châu Âu và Mỹ. "Anh cả đỏ" ngành vận tải biển Vosco dự báo, đơn vị sẽ càng khó khăn hơn khi hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ bị ngưng trệ, các tàu feeder (tàu gom) cho khu vực Cái Mép - Thị Vải "đói hàng" sẽ khiến doanh thu hao hụt nghiêm trọng. Vosco đang phải tính toán cho một số tàu nghỉ chạy nhằm giảm gánh nặng về chi phí. Ðề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đại dịch Covid-19, đại diện các doanh nghiệp vận tải biển cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo bộ, ngành nghiên cứu miễn, giảm thuế giá trị gia tăng đối với vận tải nội địa trong thời gian ba năm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần xem xét khoanh nợ gốc, giãn nợ, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động. Quyền Tổng Giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, Vinalines đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, hỗ trợ, trình Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 10-10-2017 của Chính phủ về một số giải pháp tái cơ cấu tài chính của tổng công ty như: xóa dư nợ lãi của Công ty mẹ đến thời điểm 31-12-2020; kéo dài thời gian trả nợ gốc 5 năm không tính lãi phát sinh từ 1-1-2020 đến 31-12-2025. Ðể các doanh nghiệp thành viên duy trì ổn định hoạt động sản xuất, vận tải, Vinalines cũng đề xuất Ủy ban kiến nghị Bộ Tài chính giảm 50% các khoản phí, lệ phí so với mức phí, lệ phí quy định tại Thông tư 261/2016/TT-BTC; miễn thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty và cho giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế sang đầu năm 2021.
Vinalines cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp cảng biển và dịch vụ hàng hải miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm hoặc không tăng tiền thuê đất hằng năm để doanh nghiệp có nguồn lực vực dậy sau dịch. Ðặc biệt, Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp vay tiền trả lương người lao động tạm thời ngừng việc để giữ chân người lao động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp duy trì được nguồn lao động để tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh kết thúc. Các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty xuất, nhập khẩu có vốn Nhà nước (như vận chuyển than phục vụ nhà máy nhiệt điện của các Tập đoàn Ðiện lực, Dầu khí) thực hiện đấu thầu vận tải trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Ðối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế thì xem xét có giải pháp để chỉ đạo chủ hàng giành sản lượng hàng hóa nhất định với giá bằng với giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện, tạo điều kiện cho vận tải biển trong nước phát triển bền vững trong thời gian lâu dài.
MINH TRANG/nhandan.com.vn