Cập nhật: 22/06/2020 15:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ khi triển khai các hoạt động du lịch đêm, trong đó có việc thí điểm mở cửa các quán bar, nhà hàng đến 2 giờ sáng, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh.

Phố Tạ Hiện - một điểm ăn chơi về đêm, thu hút đông du khách của Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Từ lâu, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực du lịch của Thủ đô vẫn trăn trở với những câu hỏi: Khách du lịch đến Hà Nội chơi gì vào ban đêm, ngành du lịch Thủ đô kích thích khả năng chi tiêu của khách ra sao?...

Sau những nỗ lực xóa tình trạng “cơm tối, rối nước” bằng việc tổ chức các không gian đi bộ, chợ đêm vào các tối cuối tuần; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng... đã cho thấy việc phát triển kinh tế đêm chính là cách khai thác tốt tiềm năng vốn có, thu hút khách du lịch tại Hà Nội.

Cũng từ đây, thành phố bắt đầu mở lối, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm Hà Nội.

Lợi thế hiện hữu

So với các trọng điểm du lịch của Hà Nội thì khu phố cổ là nơi thu hút khách du lịch đông nhất, do có lợi thế là trung tâm của Thủ đô, lại sở hữu hàng loạt các danh thắng, di tích đặc trưng và cũng là nơi lưu giữ dấu tích của đất Kẻ Chợ xưa.

Với những khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu không gian, kiến trúc, di sản phố cổ; muốn mua bán những mặt hàng đặc trưng của các phố nghề xưa; thưởng thức ẩm thực Hà Nội hay khám phá, trải nghiệm cuộc sống người dân phố cổ... họ đều lựa chọn nơi này làm điểm tham quan hoặc lưu trú.

Khi đêm đến, các tuyến phố càng trở nên sôi động, nhộn nhịp, tấp nập người qua lại. Trong đó, khu phố cổ Hà Nội với các tuyến phố: Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Mã Mây, Hàng Bè, Đồng Xuân, Hàng Gai… được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước biết tới bởi sự sầm uất, nhộn nhịp.

Khách du lịch cũng không xa lạ gì với con phố Tạ Hiện chật kín người thưởng thức món ngon phố cổ, “Ngã tư quốc tế” Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến với những cốc bia hơi mát lạnh, giá rẻ, phố Hàng Bạc với những cửa hàng bán đồ trang sức thu hút rất đông khách. Vào các tối cuối tuần, chợ đêm Hàng Đào-Đồng Xuân thu hút hàng vạn khách tham quan mua sắm. Bên cạnh đó, để tạo thêm sức hấp dẫn, Ban quản lý phố cổ Hà Nội còn tổ chức nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách. Đáng lưu ý, trong số khách tham quan có rất đông khách nước ngoài đến trải nghiệm và lưu trú ngay tại phố cổ.

Anh Johan Alvin, khách du lịch đến từ Thụy Điển bày tỏ sự thích thú khi được khám phố cổ Hà Nội ban đêm trong những ngày tham quan Hà Nội. Anh cùng bạn bè rất thích khi được uống cà phê vỉa hè, thưởng thức ẩm thực ở phố Đinh Liệt, nghe âm nhạc truyền thống trên phố Mã Mây. Anh Alvin cho biết, do Hà Nội lệch múi giờ với Thụy Điển nên nhu cầu vui chơi, giải trí ban đêm rất cần cho những người như anh và các bạn.

Từ năm 2016, thành phố Hà Nội đã cho phép quận Hoàn Kiếm triển khai thí điểm một số quán bar, nhà hàng mở cửa đến 2 giờ sáng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch. Các cơ sở này phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, tiếng ồn, an toàn trật tự, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh.

Sau khi rà soát, có 65 cơ sở kinh doanh đủ điều kiện tham gia, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Dù còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh trong thời gian tới, song phải thừa nhận, lượng khách đông hơn trước, doanh thu của các cơ sở kinh doanh tăng khoảng 30% so với trước khi có chủ trương thí điểm.

Khai thác tiềm năng

Không thể phủ nhận lợi ích của kinh tế đêm mang lại đã tạo động lực cho du lịch Hà Nội phát triển. Theo Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, từ khi triển khai các hoạt động du lịch đêm, trong đó có việc thí điểm mở cửa các quán bar, nhà hàng đến 2 giờ sáng, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm đã tăng nhanh: năm 2016 đạt gần 1,4 triệu lượt du khách, tăng 22,8% so với cùng kỳ; năm 2017 đạt 1,95 triệu lượt du khách, tăng 30,2%; năm 2018 đạt gần 2,2 triệu lượt du khách, tăng 12%; năm 2019 gần 2,5 triệu lượt du khách tăng 13%. Ngoài ra, số lượng cửa hàng kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở (khu phố cổ, phố cũ có 568 cơ sở; khu vực ngoài đê có 26 cơ sở).

Những người làm du lịch trên địa bàn Hà Nội đều mong muốn thành phố có kế hoạch phát triển kinh tế đêm một cách bài bản, quy củ; qua đó không chỉ tăng thêm sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách mà còn tác động cho các ngành kinh tế, dịch vụ khác phát triển. Đặc biệt, khu vực Hoàn Kiếm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của Hà Nội, nếu khai thác tốt vào ban đêm, lượng khách du lịch sẽ tăng nhanh hơn.

Hà Nội là trung tâm trung chuyển khách du lịch của khu vực phía Bắc, khách không chỉ đến Hà Nội tham quan mà nếu muốn đi các tỉnh, thành khác đều phải qua Hà Nội.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: "Hà Nội cần phát triển kinh tế đêm để kích thích khách lưu trú và chi tiêu. Vào ban ngày, du khách thường tham quan các di tích, danh thắng thì chỉ có ban đêm mới là thời điểm khách cần chi tiêu nhiều.

Từ hiệu quả kinh tế đêm mang lại, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khẳng định, trong thời gian tới, Hoàn Kiếm tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm theo hướng tổ chức xuyên đêm, có phân loại theo mô hình tổ chức, có phân kỳ thực hiện.

Mô hình tổ chức sẽ bao gồm: tổ chức ngoài trời và trong nhà, tổ chức trong các không gian đi bộ và các địa bàn khác của quận. Không chỉ Hoàn Kiếm, một số quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang tập trung phát triển kinh tế đêm như quận Tây Hồ với Không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực đường phố tại phố Trịnh Công Sơn. Việc phát triển kinh tế đêm cũng cần có cơ chế quản lý tốt, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, vừa tạo động lực thúc đẩy du lịch tăng trưởng./.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-kinh-te-dem-dong-luc-thu-hut-khach-du-lich-tai-ha-noi/647728.vnp

Tệp đính kèm