Cập nhật: 29/06/2020 10:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tháng sáu, nắng vùng cao như đổ lửa, chúng tôi ngược núi lên Ma Cha Va hùng vĩ ẩn trong mây ngàn, bốn mùa lộng gió. Ở đó, có bản Ngải Thầu của người H’Mông, bám trên mũi đá, ở độ cao 2.300 m so với mực nước biển, được ví như “tổ chim trên đỉnh trời”, cao nhất tỉnh Lào Cai.

Bản Ngải Thầu (huyện Bát Xát) ở nơi cao nhất tỉnh Lào Cai, với độ cao 2.100 m so mực nước biển.

“Mũi đá” và “dốc ngựa ngã”…

Từ bản nhỏ Chi Chu Lìn nhìn lên dãy núi Ma Cha Va ngút xanh, cao vời vợi đến nhức mắt, trong cái nắng gay gắt mùa hè vùng cao biên giới Bát Xát. Già làng Sùng A Lử, ngước đôi mắt xa xăm về phía vách đá Ngải Thầu, nhô ra như chiếc mỏ con diều hâu khổng lồ, xòe đôi cánh lớn trùm lấy ngọn núi Ma Cha Va vòi vọi trên nền trời xanh thăm thẳm. “ Giờ đã có đường bê-tông tốt hơn rất nhiều, xe máy đi được đến Ngải Thầu rồi, mà nhiều người vẫn còn sợ không dám đi, vì nó cao quá, lại có nhiều chỗ “gấp tay áo”, non tay lái là rơi xuống vực ngay. Chả thế mà người H’Mông mình gọi đó là dốc ngựa ngã đấy” - già làng Lử chậm rãi, hồi ức về vùng đất cao nhất phía tây Bát Xát trập trùng núi cao, khe sâu như thách thức của thiên nhiên với con người nơi đây.

Chuyện rằng, ngày ấy bản chưa có tên, người đàn ông H’Mông có con ngựa to khỏe, nết đi đường xa hay nhất bản, liền cưỡi lên Ngải Thầu “ăn đám” ở nhà bạn “cố tỷ”, thân thiết như anh em ruột. Con ngựa leo được nửa đường, đến khúc cua gấp tay áo, dốc cao đến tức ngực thì ngã lăn ra không dậy được nữa. Nhớ tích ấy, bậc cao niên ở đây đặt tên bản là Chi Chu Lìn, theo tiếng địa phương có nghĩa là “dốc ngựa ngã”, đó là tên bản của già làng Lử đang sinh sống bây giờ. Ngày ấy, khi chưa có đường bê-tông nông thôn mới, từ bản Chi Chu Lìn đến mũi đá Ngải Thầu theo đường chim bay chỉ một vực núi, nhìn rõ trong tầm mắt, thế mà muốn đến nơi thì phải đi bộ nửa ngày đường, còn đi xe máy phải là những tay “to gan lớn mật”, tay lái vừa dẻo vừa khỏe, xe Min-khờ của Liên Xô nổi tiếng khỏe máy, bám đường tốt thì mới dám thử sức đến đó. Đường đi gian khó là thế, lại quanh năm mây phủ, gió gào, mùa đông rét nhức xương nên Ngải Thầu như “ốc đảo” trên đỉnh Ma Cha Va hùng vĩ, kiêu sa, ít người dám tới.

Ngải Thầu tiếng địa phương nghĩa là “mũi đá”. Quả thật, chiếc xe bán tải gài số thấp, gầm gào bò theo đường bê-tông nông thôn mới từ tỉnh lộ 158 lên tới bản Ngải Thầu Thượng, đồng bào bản địa hay gọi là bản Ma Cha Va (lấy theo tên ngọn núi cùng tên), mới thấy thế nào là “mũi đá” và sức sống kiên cường, bền bỉ của người dân nơi đây. Càng lên cao, nắng chói chang xối thẳng đỉnh đầu và gió ù ù thốc mạnh từng cơn như muốn bốc mọi thứ hất tung xuống vực sâu thăm thẳm. Gió lồng lộn từng cơn như muốn bứt trụi từng chiếc lá của loài cây duy nhất chống chịu được lạnh buốt mùa đông, khô khát nắng lửa mùa hè và gió hú bốn mùa ở nơi đỉnh trời này. Kỳ lạ thay, những rừng cây “tống quá sủ” (theo tiếng đồng bào là cây qua đông) cứ hiên ngang mướt xanh khi vừa qua mùa thay lá, từng vòm lá xanh dày che đỡ nắng, làm dịu đi những cơn gió lốc hoang hoải, che chắn cho những ngôi nhà, nương ngô xanh tốt nơi đây. Đi từ thôn Ngải Thầu Hạ lên Ngải Thầu Thượng, tôi như chìm trong những hàng cây tống quá sủ cổ thụ, bởi sức sống mãnh liệt và bền bỉ của nó, trải kín những mỏm núi nơi đỉnh trời Ma Cha Va nơi đây. Nhìn từ xa, vầng cây tống quá sủ như chiếc mũ bê-rê khổng lồ che trên đầu “mũi đá” Ngải Thầu, chống chọi với mưa nắng khắc nghiệt và giá rét, mù sương nơi có bản người H’Mông cao nhất Lào Cai.

Làng ở nơi đỉnh trời gió hú

Con đường bê-tông sáng lên trong nắng trưa chiếu thẳng, như mạch máu lớn nối Ngải Thầu Hạ phía dưới lũng sâu với Ngải Thầu Thượng phía trên đỉnh Ma Cha Va bốn mùa thừa thãi gió trời ban ngày và sương mù giá rét khi đêm về. Tôi nhìn chiếc máy đo độ cao, Ngải Thầu Hạ là 2.010 m so với mực nước biển, bản của hơn 60 hộ người H’Mông quần tụ nép mình êm đềm dưới tán cây tống quá sủ thật thanh bình, những ngôi nhà trình tường bằng đất thấp thoáng bên những ngôi nhà đang xây, đỏ tươi mầu gạch mới. Chúng tôi gò người, cắm cúi bước theo trưởng thôn Vàng A Tùng lên Ngải Thầu Thượng, nơi phần lớn là những gia đình trẻ mới tách ra lên đây lập nghiệp, giữ đất giữ rừng xanh nơi đỉnh trời gió hú, con số đo độ cao hiện lên 2.130 m. Kỳ lạ, chỉ chênh cao có hơn trăm mét thôi mà hai vùng khí hậu khác biệt rõ rệt, trong khi Ngải Thầu Hạ sương mù, ẩm ướt thì Ngải Thầu Thượng nắng như rang, gió thổi liên hồi như muốn bứt tung mọi thứ, hàng cây tống quá sủ ở đây bị gió núi vuốt rạp về hướng gió thổi, khẳng khiu nhưng vững chãi ở nơi khí hậu khắc nghiệt nhất Lào Cai. Trưởng thôn Vàng A Tùng kể, thường là mùa đông lạnh kéo dài, sương mù ẩm thấp, người ở Ngải Thầu Hạ phải mang quần áo, chăn màn lên Ngải Thầu Thượng phơi gió cho nhanh khô. Già làng Lử bảo, do địa thế tự nhiên nên gió ở thung lũng Thiên Sinh dồn hết vào mũi đá Ngải Thầu, thốc ngược lên đỉnh Ma Cha Va, sinh ra hai vùng thời tiết khác biệt như thế.

Để giữ rừng, giữ “nguồn sống” của mình, đồng bào H’Mông ở đây nghĩ cách làm nhà trình tường bằng đất, hạn chế sử dụng gỗ rừng. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch nông nghiệp, vào cữ tháng 11 sát Tết, bà con lập tổ đổi công giúp nhau làm nhà. Đất tươi, sạch, có độ kết dính cao, được đổ vào khuôn gỗ có chiều dài khoảng 1,5 m, rộng hẹp tùy theo tường dày mỏng định làm, sau đó dùng những chiếc chày gỗ nện chặt đất; cứ thế xây tường đến độ cao đã định để lợp mái. Nhà trình tường có thể làm ở bất cứ đâu, miễn có đất làm nguyên liệu, vì thế tiện lợi vô cùng, lại ấm về đông, mát về mùa hè nắng lửa, giúp người H’Mông hòa hợp với thiên nhiên, với mẹ rừng vĩ đại. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày Thìn của tháng Giêng đầu năm, bà con lại làm lễ cúng rừng, đề ra quy ước bảo vệ rừng, nhà nào có việc hiếu hỉ thì được phép vào rừng chặt hạ hai cây gỗ già, sâu mọt để làm củi đun; nếu ai vi phạm làng phạt vạ 30 kg thịt lợn, 10 lít rượu để dân bản trồng cây mới; vi phạm nhiều lần sẽ bị dân bản không cho vào rừng nữa. Luật bất thành văn nhưng có sức mạnh chế tài từ cộng đồng, dòng họ và trong mỗi gia đình nên mỗi cá nhân và gia đình, dòng họ đều tự giác thực hiện. Giờ thì tôi hiểu vì sao ở nơi giá rét, mùa đông hay có tuyết rơi như mũi đá Ngải Thầu, củi là chất đốt rất quý mà rừng vẫn tươi tốt, xanh bạt ngàn chở che cho con người nơi đây. Nhờ vậy mà hôm nay, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến Ngải Thầu đều “mê tít” rừng tống quá sủ cổ thụ xanh dày trên độ cao 2.100 m so với mực nước biển, nắng lửa và gió thổi liên hồi. Nó như biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên gan của người dân nơi đỉnh trời khắc nghiệt này, mở hướng cho dân bản làm du lịch cộng đồng, để biến nơi đây thành một điểm đến mới của du khách.

Hôm tôi đến, Thào A Thếnh là người đầu tiên vừa làm xong căn nhà hai tầng, theo kiến trúc nhà người H’Mông, nằm giữa Ngải Thầu Thượng, để đón khách ta đi phượt và khách nước ngoài đi điền dã, trải nghiệm. Đó là “đốm sáng” để lan tỏa cách nghĩ, cách làm mới, nhằm khai thác thế mạnh cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi đây, để xóa nghèo hiệu quả và bền vững ở mũi đá Ngải Thầu này.

Cũng nhờ có con đường bê-tông nông thôn mới dài hơn 7 km, xe ô-tô có thể đi từ “dốc ngựa ngã” năm nào đến tận đỉnh trời Ma Cha Va nên cuộc sống của đồng bào ở Ngải Thầu đã khởi sắc hơn. Nhiều gia đình chuyển từ cây ngô sang trồng cây hoàng sin cô, là cây “sâm đất” bản địa, có giá trị bổ dưỡng và vị ngọt, ngon của nó. Giữa nắng lửa và gió núi làm khô cả người, tôi được Thào A Dung, là người đầu tiên có công đưa loài sâm đất này về trồng ở mũi đá Ngải Thầu, mời cốc nước từ củ hoàng sin cô, uống đến đâu thấm đến đó, mệt mỏi và khô khát tan biến. Từ “cánh chim đầu đàn” này, 85 hộ người H’Mông ở Ngải Thầu đã chuyển nương ngô cằn cỗi, năng suất thấp sang trồng sâm đất hoàng sin cô. Có lẽ cây không phụ công và tấm lòng thương quý đất đai của người trồng mà vượt qua nắng lửa, sương mù giá lạnh kết củ ngọt lành dâng cho đời. Dường như bù lại cái khí hậu khắc nghiệt ở nơi cao nhất Lào Cai này, chất lượng củ sâm đất ở mũi đá Ngải Thầu xếp bậc nhất so với nhiều nơi khác, được người tiêu dùng săn tìm. Từ Hải Dương, Công ty thạch rau câu Long Hải đã tìm đến Ngải Thầu ký kết với người dân trồng đại trà và thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Tranh thủ rảnh rỗi, Trưởng thôn Vàng A Tùng phấn khởi khoe, niên vụ 2019, bà con ở đây bán cho công ty này khoảng 80 tấn sâm đất, thu về hàng tỷ đồng; nhờ vậy nhiều hộ xây được nhà kiên cố, mua sắm được các vật dụng, tiện nghi sinh hoạt chạy điện lưới, nâng cao cuộc sống và hội nhập với bên ngoài. Hôm chúng tôi đến, Sùng A Lử có tiền bán củ hoàng sin cô, đang hào hứng xây ngôi nhà gạch, mái bằng để chống chọi với gió mưa, rét lạnh ở đỉnh Ma Cha Va hùng vĩ, để giữ rừng, giữ đất vùng biên giới phía tây Lào Cai. Từ trồng rừng, trồng sâm đất và nuôi ngựa bản địa như gia đình Sùng A Chu, Sùng A Rùa mà ở mũi đá Ngải Thầu hôm nay, đã có hơn 30 ngôi nhà xây gạch đỏ kiên cố, xen lẫn những ngôi nhà trình tường đất truyền thống, nép dưới bóng mát của hàng cây tống quá sủ, như bức tranh thủy mạc tô điểm thêm những nét màu tươi sáng của cuộc sống mới hôm nay. Nhà nước và Đồn Biên phòng Trịnh Tường kéo điện lưới và hỗ trợ vật liệu làm đường bê-tông kiên cố, xây bể chứa nước ăn, trường học bán trú cho trẻ em, giúp bà con nơi đây vượt khó xóa nghèo, giữ đất, giữ biên cương. Và họ cũng chính là những “cột mốc sống” nơi đỉnh trời biên giới Lào Cai. 

Theo BÀI VÀ ẢNH: QUỐC HỒNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm