Đoàn phát hiện ra nhiều điểm di sản địa chất cổ, văn hóa bản địa đặc sắc riêng biệt của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng như các điểm di tích hóa thạch cổ, tầng đứt gãy địa chất...
Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đến trải nghiệm điểm di sản mới 'Hòn đá mồ côi' tại thung lũng Bản Hau, xã Cao Thăng (Trùng Khánh). (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Ngày 6/7, Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, đánh giá khảo sát hoạt động Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Ông Guy Martini, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cho rằng, sau 2 năm (2018-2020) Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đi vào hoạt động, Ban Quản lý Công viên, các cấp chính quyền địa phương và người dân đã tích cực thực hiện các khuyến nghị, quy định của UNESCO về gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng các điểm di sản trên cả 3 tuyến.
Theo đó, di sản địa chất cổ và diện mạo địa chất cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng được gìn giữ, không có tình trạng bị xâm lấn. Các điểm di tích lịch sử, di tích quốc gia đặc biệt được đầu tư hạ tầng khang trang làm tăng thêm giá trị di sản.
Đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc trong cuộc sống đời thường, nhiều vùng đã sản xuất nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ, có sản phẩm chất lượng bán ra thị trường...
Khảo sát gần 50 điểm di sản trên tuyến thứ 4 huyện Thạch An và thành phố Cao Bằng, Đoàn phát hiện ra nhiều điểm di sản địa chất cổ, văn hóa bản địa đặc sắc riêng biệt của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng như các điểm di tích hóa thạch cổ, tầng đứt gãy địa chất trên 250 triệu năm, hệ thống hang động đẹp, độc đáo...
Đoàn chuyên gia khuyến nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng cần quan tâm hơn tới việc giữ gìn vệ sinh môi trường các điểm di sản; chú trọng khai thác các giá trị văn hóa bản địa từ sản xuất nông nghiệp với những cây con đặc hữu từng vùng, không gian kiến trúc nhà sàn, nhà trình tường, văn hóa văn nghệ dân gian, điểm hang động độc đáo như “Mó nước thần” (huyện Quảng Hòa), rừng dẻ (huyện Trùng Khánh), làng nghề làm giấy bản (xã Phúc Sen), làng nghề làm đường phên Bó Tờ (Quảng Hòa), nghề làm thạch đen (Thạch An)...
Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đến khảo sát điểm đứt gãy kiến tạo tại Thạch An. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN).
Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng cần có những giải pháp để tăng sức hấp dẫn của các tour du lịch trải nghiệm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tạo việc làm, sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số, khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản địa chất và văn hóa bản địa...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa cho biết, thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo các cấp, sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO.
Đồng thời, tỉnh khẩn trương xúc tiến chỉ đạo thực hiện phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với các chương trình kích cầu du lịch của tỉnh; chủ động phối hợp với Đoàn chuyên gia xúc tiến hoàn thiện thủ tục để mở rộng thêm tuyến thứ 4, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng...
Trước đó, từ ngày 1-5/7, Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã đến khảo sát ba tuyến của Công địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (Khám phá Phia Oắc - Vùng núi của Những đổi thay; Trở về nguồn cội; Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên) và khảo sát tuyến thứ 4 (huyện Thạch An và thành phố Cao Bằng).
Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đến khảo sát vườn dẻ cổ thụ tại Bản Khẩy, xã Chí Viễn (Trùng Khánh). (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Theo Chu Hiệu (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/danh-gia-khao-sat-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-non-nuoc-cao-bang/650246.vnp