Bệnh bạch hầu được ghi nhận ở mọi lứa tuổi, đặc biệt có những trường hợp bệnh nhi mắc bạch hầu và tử vong đã tiêm vaccine.
Dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên đang diễn biến phức tạp gần 40 ca lây nhiễm chỉ trong hơn một tháng qua. Bệnh bạch hầu được ghi nhận ở mọi lứa tuổi, đặc biệt có những trường hợp bệnh nhi mắc bạch hầu và tử vong đã tiêm vaccine.
Hiện nay, vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh cho trẻ nhỏ. Vaccine phòng bạch hầu thường được tích hợp dạng vaccine 5 trong 1 như Combe Five, Quinvaxem. Tất cả trẻ sinh ra sẽ được tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm phòng mở rộng với 4 mũi. Trẻ được tiêm phòng đầy đủ thì thông thường sẽ có kháng thể với vi khuẩn bạch hầu và có thể bảo vệ trẻ khỏi nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, có một số cơ địa đặc biệt, dù đã tiêm phòng đầy đủ, nhưng cơ thể vẫn không đáp ứng đủ nồng độ kháng thể để bảo vệ. Khi không may tiếp xúc phải mầm bệnh là vi khuẩn bạch hầu thì hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh.
Các nhân viên y tế Đăk Nông có mặt ở thôn, bản khám chữa bệnh cho bà con dân tộc thiểu số khi dịch bạch hầu bùng phát.
Điều này khiến nhiều phụ huynh lo sợ về nguy cơ lây nhiễm bệnh với con em mình dù đã được tiêm vaccine. Theo TS BS Vũ Minh Điền, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, có thể lây qua đường tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh bị bạch hầu và vô tình đưa lên niêm mạc mũi, mắt, miệng… Ngoài ra cũng có thể lây qua sữa mẹ. Vậy đâu là biện pháp phòng dịch cơ bản với bệnh bạch hầu?
“Chúng ta có thể phòng bệnh bạch hầu trong vùng có dịch bằng cách dự phòng cơ bản, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người bệnh, thường xuyên vệ sinh tay bằng các thuốc sát khuẩn, vệ sinh bề mặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm bệnh bạch hầu thì không cho trẻ bú trong giai đoạn cấp tính của người bệnh”, TS BS Vũ Minh Điền nói.
TS BS Vũ Minh Điền cũng khuyến cáo, ngoài phòng ngừa cơ bản, các bà mẹ cần lưu ý lịch tiêm chủng của con để đảm bảo tiêm đúng lịch, tiêm đầy đủ các vaccine. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được triển khai đến tận xã trạm y tế xã, phường, theo đó, các gia đinh nên đưa con đi tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng có định hiện nay. Nếu cần thiết thì có thể tiêm bổ sung thêm các vaccine bảo vệ cho trẻ ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng. “Tại nơi có ổ dịch, chúng ta cần kiểm tra lại xem nồng độ kháng thể với vi khuẩn bạch hầu của trẻ đã đủ chưa. Chưa đủ thì ta đưa trẻ đi tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch ở trẻ và đảm bảo đủ kháng thể bảo vệ cho trẻ”, TS BS Vũ Minh Điền khuyến cáo.
TS BS Vũ Minh Điền - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người dân không nên quá hoang mang về nguy cơ thiếu vaccine, cũng không chủ quan mà không đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng theo quan điểm của một số người anti-vaccine.
Trong nỗ lực phòng, chống dịch bạch hầu, Sở Y tế Gia Lai đã gửi văn bản tới Bộ Y tế đề nghị cấp 100.000 liều vaccine để tiêm phòng cho người dân huyện Đăk Đoa. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã khoanh vùng, khử khuẩn tại khu vực có người dân mắc bạch hầu; giám sát, cách ly các trường hợp nghi ngờ không để lây lan bệnh trong cộng đồng.
Tại Đăk Nông, Sở Y tế nhận định, các điểm bùng phát dịch đều là những vùng trũng về tiêm chủng; vùng dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào, các ca mắc bạch hầu chủ yếu là trẻ từ 9 đến 13 tuổi./.
Theo Thiên Bình/VOV.VN