Du lịch homestay (du lịch cộng đồng) ở miền tây Nghệ An đang dần được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Đây là một hướng phát triển kinh tế, văn hóa bền vững cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm, chú trọng đầu tư, hướng dẫn, giúp đỡ người dân mở rộng, phát triển.
Vùng miền núi Nghệ An hiện còn lưu giữ nhiều tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch. Năm 2019, các huyện miền tây Nghệ An đón khoảng 20.000 lượt khách; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch cộng đồng ước đạt 4 tỷ đồng. Mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế thể hiện qua thu nhập mà còn nằm ở việc nâng cao hiệu quả phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng hiệu quả sản xuất của các làng nghề truyền thống, quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn, khôi phục các giá trị và truyền thống văn hóa...
Khách du lịch đi thuyền trên sông Giăng tham quan Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: ĐỨC CHUNG
Chị Đinh Thị Thùy Ngân (32 tuổi, Nam Định) đến lưu trú hai ngày tại homestay của gia đình anh Lô Huỳnh Lan (bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông). Những ngày ở đây, chị Ngân được mặc váy Thái, dệt khăn thổ cẩm. Chị được thưởng thức bữa ăn với đủ các đặc sản, như: Cá mát nướng giòn vị nhấn đắng, cơm lam nướng trong ống nứa nhỏ, rau rún, măng rừng, hoa đu đủ được trần chín, xào thơm và bát chẻo làm từ lá hẹ mang hương vị đặc trưng không nơi nào có. Tất cả được bày biện khéo léo lên chiếc mâm đan bằng mây nhỏ xinh. Sau bữa cơm, chị cùng du khách thưởng thức các tiết mục văn nghệ dưới chân nhà sàn như nghe đánh chiêng, hát dân ca và xem các điệu múa cổ của dân tộc Thái; cùng du khách nhảy sạp, múa giã gạo, uống rượu cần... Tuyệt vời nhất với chị là được trải nghiệm đi thuyền trên sông Giăng, vượt thác, đẩy thuyền, ngắm nhìn vẻ nguyên sơ núi rừng, vào thăm nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số Đan Lai.
Khách du lịch hòa mình vào điệu nhảy của dân tộc Thái. Ảnh: ĐỨC CHUNG
Nhờ hình thức du lịch cộng đồng mà nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An có được công việc ổn định, vừa bảo tồn được những nét đẹp của dân tộc mình, quảng bá được các sản phẩm mà do chính bàn tay họ làm ra. Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của người dân tộc Thái. Những năm gần đây, chính quyền cùng người dân bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đẩy mạnh khôi phục, phát triển nghề, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, mang lại thu nhập. Sau khi giới thiệu cho đoàn khách về nghề thổ cẩm, cầm trên tay chiếc khăn đội đầu được thêu hoa văn sặc sỡ, chị Hà Thị Hằng, Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ xã Môn Sơn, nói: “Những sản phẩm làm ra được bán cho khách du lịch, người dân trong xã và các vùng lân cận, giúp chị em có thêm thu nhập và giữ được nét văn hóa của đồng bào Thái".
Mặc dù tài nguyên du lịch phong phú, nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng ở Nghệ An phát triển còn chậm và do chưa có tiêu chuẩn hay hướng dẫn cụ thể về việc khai thác, kinh doanh homestay nên các mô hình còn phát triển theo chiều hướng tự phát, có một số bản có hộ dân tháo dỡ nhà truyền thống để xây nhà tầng khang trang phục vụ cho việc tiếp đón khách du lịch; việc thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính cho du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
Hòa mình vào múa Hạn Khuống (múa giã gạo). Ảnh: ĐỨC CHUNG
Có thể thấy, homestay là một sinh kế mới bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số miền tây Nghệ An, tuy nhiên, việc quan tâm cho mô hình này chưa xứng đáng. Tỉnh Nghệ An chưa có chính sách hỗ trợ cho mô hình du lịch này. Mặc dù đã có dự thảo về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhưng vẫn chưa được “hiện thực hóa” để sớm “tạo đà” cho mô hình du lịch này phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó giám đốc Sở du lịch tỉnh Nghệ An, nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất với tỉnh một mức kinh phí hỗ trợ phù hợp cho những hộ dân tham gia làm homestay, để họ có trách nhiệm và vai trò đối với việc kinh doanh homestay. Nếu mức hỗ trợ cao hơn sẽ khiến cho sự cam kết và chủ động của người dân trong việc kinh doanh homestay ít đi bởi họ không phải bỏ ra số tiền quá lớn, nhưng nếu mức hỗ trợ thấp hơn sẽ khiến cho việc muốn tham gia làm homestay của người dân bị giảm đi, khiến họ không tích cực tham gia làm homestay”.
Điểm cốt lõi của du lịch homestay miền tây Nghệ An là trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, họ vừa là chủ thể của du lịch vừa là những người cung ứng dịch vụ. Trao đổi về vấn đề này, ông Đậu Quang Vinh, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An-người từng có nhiều năm nghiên cứu về homestay miền tây Nghệ An, cho rằng: “Việc đồng bào miền tây Nghệ An còn thiếu nhất đó là kỹ năng làm du lịch, giới thiệu các giá trị văn hóa di sản. Do đó, công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ du lịch cần được quan tâm, chú trọng hơn để làm sao mỗi người dân là một “hướng dẫn viên” du lịch thực thụ, có thể truyền tải được cho du khách những nét đẹp văn hóa, di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An...".
HOA LÊ - BẬT HƯNG/Báo điện tử Quân đội nhân dân
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/homestay-sinh-ke-moi-can-phat-trien-o-tay-nghe-an-626350