Thủ tướng yêu cầu, địa phương nào không tiêu hết tiền đầu tư công thì báo cáo để Chính phủ điều chuyển vốn.
Sáng 18/7, tại Thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây nguyên về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo 12 địa phương của các vùng kinh tế, các nhà đầu tư lớn, các chuyên gia kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Tây nguyên nửa đầu năm nay tăng 2,72%, thấp nhất là Lâm Đồng tăng 0,51%, cao nhất là KonTum tăng hơn 7,3%.
Về giải ngân vốn đầu tư công, năm nay vùng Tây nguyên được giao trên 14.200 tỷ đồng, vốn của năm 2019 chưa giải ngân hết gần 4.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 6, tỷ lệ vốn giải ngân được là 31,5% kế hoạch, thấp hơn mức 35,5% bình quan chung cả nước.
Trong khi đó, nửa đầu năm nay, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tăng trưởng giảm 3,22% so với cùng kỳ năm ngoái, là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có kinh tế tăng trưởng âm. Trong khi Đà Nẵng tăng trưởng âm 3,6% thì các tỉnh có mức tăng trưởng âm lớn là Khánh Hòa với âm 12%, Quảng Nam âm trên 11,5%.
Về vốn đầu tư công của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tổng vốn được giao năm nay là 38.000 tỷ đồng. Kết thúc tháng 6, tỷ lệ vốn giải ngân đạt 34%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước ở mức 35,5%.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực trạng nền kinh tế đang khó khăn do Covid-19 gây ra, trong đó có miền Trung, nhất là những tỉnh có đóng góp cho ngân sách Trung ương là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam đều tăng trưởng âm trong nửa đầu năm, còn các tỉnh khác quy mô kinh tế nhỏ và tăng trưởng thấp. Điều đó khiến cho tình hình kinh tế miền Trung và Tây nguyên gặp trở ngại.
Thủ tướng nhấn mạnh, miền Trung có vị trí chiến lược quan trọng, là chiếc “đòn gánh” gánh hai đầu của đất nước, nên nếu miền Trung đứt gãy, khó khăn cũng khiến hai đầu đất nước gặp khó khăn.
Các địa phương tại buổi làm việc có tới 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông sản đặc sắc, các tỉnh miền Trung-Tây nguyên kết nối phát triển các sản phẩm du lịch biển và sản phẩm đặc sắc khác ít nơi có được. Tuy nhiên, các lợi thế này lại chưa được phát huy.
Do đó, Thủ tướng cho biết, hội nghị này, Thường trực Chính phủ làm việc với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Vùng Tây nguyên để nghe giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, Thủ tướng nêu lên phẩm chất con người miền Trung cần cù, mạnh mẽ trong hành động, điều đó không chỉ cần được thể hiện trong kháng chiến mà phải làm mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế, không được để sự trì trệ trong phát triển vùng.
“Một mảnh đất mà anh hùng liệt sĩ hy sinh lớn nhất trong kháng chiến, nay phải nhanh chân hơn, tiến bước hợp tác cùng nhau phát triển. Đặc biệt là vực dạy các thành phố kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Chính quyền cùng hòa chung hơi thở, cùng hòa chung nhịp đập, cùng một tiếng nói để giải quyết tốt việc làm, tạo sinh kế mới, tạo sinh khí thế mới, tạo niềm tin cùng phát triển trong lúc đất nước và thế giới đang gặp khó khăn. Chúng ta đã thắng được kẻ thù trực tiếp thì trong khó khăn về kinh tế, miền Trung phải mạnh mẽ hơn, quyết chí hơn, không để tình trạng trì trệ như một số tỉnh đang vấp phải hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trăn trở với sự phát triển của các vùng, Thủ tướng cũng đặt câu hỏi: Làm gì để đầu tư phát triển nếu không có một môi trường đầu tư tốt, cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng” và cho biết, ngay trong bối cảnh khó khăn, một số tỉnh đã tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, thu hút lượng vốn lên tới hơn chục tỷ USD.
Nhấn mạnh trách nhiệm của các địa phương, Thủ tướng nêu thực trạng, đang có nhiều nhà đầu tư tiềm năng mong chờ, đang có nhiều dự án không triển khai được đang chờ được xử lý.
Trước thực trạng các tỉnh miền Trung, Tây nguyên có mức giải ngân rất thấp, Thủ tướng nêu chế tài: “Các đồng chí quan tâm gì khi có tiền mà phải điều đi? Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ để xử lý các vấn đề đặt ra. Miền Trung cũng phải làm tốt hơn. Các đồng chí nhận thức ra sao mà không lãnh đạo, chỉ đạo việc này? Hôm nay có Bí thư, Chủ tịch, 5 sở quan trọng của các tỉnh ở đây, các đồng chí “đá qua, đá lại”, gây khó khăn, cứ chọn mãi không triển khai. Tại sao Bình Định, một tỉnh có đặc điểm như miền Trung mà giải ngân tốt như vậy, trong khi nhiều tỉnh giải ngân dưới 15-20%. Câu hỏi đặt ra là giám đốc các sở, thường trực, ủy ban làm như thế nào để xử lý vấn đề bức xúc này?”.
Yêu cầu các địa phương không “ôn nghèo, kể khổ” khi phát biểu, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về phát triển du lịch nội địa, phát triển các mô hình mới, thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, thúc đẩy dịch vụ hành chính công trực tuyến. Cùng với đó là đề xuất các giải pháp đột phá kết nối vùng, liên vùng; phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, logistic…, trong đó thúc đẩy xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận về phát triển văn hóa, xã hội, con người; quan tâm hỗ trợ đối tượng lao động gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 mà không được hưởng từ gói hỗ trợ của Nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, Thủ tướng yêu cầu đóng góp các giải pháp cho sự phát triển của vùng miền Trung, vùng Tây Nguyên. Các bộ, ngành phải nêu cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho các vùng.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN