Thông qua Liên hoan lần này, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện tài năng; phát hiện, tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật về đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân
Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân lần thứ 4, năm 2020 đã chính thức khai mạc tối 16/7 tại Hà Nội. 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước với 33 vở diễn thuộc 4 thể loại: Kịch nói, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch sẽ đem đến liên hoan những màu sắc tươi mới cho nghệ thuật sân khấu.
Đa dạng loại hình nghệ thuật
Từ năm 2005 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức thành công 3 kỳ Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND), với định kỳ 5 năm/lần. Liên hoan đã tuyên truyền, khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân qua hình thức nghệ thuật sân khấu, làm cho nhân dân hiểu hơn, tin tưởng hơn, gần gũi hơn, từ đó, nhân dân tham gia tích cực cùng lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Liên hoan lần thứ 4 là hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống CAND Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2020), 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020), kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước năm 2020.
Ban Tổ chức tặng hoa cho các đoàn tham gia Liên hoan. (Ảnh: Khánh Huyền)
Tham gia Liên hoan lần này có 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước với 33 vở diễn. Trong đó, có những vở diễn khai thác những đề tài khó như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có những vở diễn đi vào các vụ án đã được bóc gỡ, xây dựng, ca ngợi những chiến công của lực lượng CAND trong cuộc đấu tranh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Với các loại hình kịch nói, chèo, cải lương, ca kịch và kịch hình thể, Liên hoan sẽ đem đến công chúng cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn ở nhiều góc độ về công việc và cuộc sống, những hy sinh, vất vả của người chiến sĩ Công an.
Theo Đại tá, NSND Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Phó trưởng Ban tổ chức Liên hoan, xây dựng một vở diễn ở thể loại kịch nói về đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND đã khó, thì đối với nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương hay ca kịch sẽ còn khó hơn. Những kỳ liên hoan trước, số vở diễn sân khấu ở thể loại chèo, cải lương, ca kịch đều rất thưa vắng, nhưng năm nay, có tới 13 đoàn nghệ thuật truyền thống tham dự với 15 vở diễn. Đây là một tín hiệu lạc quan, bởi vì dường như đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND ngày càng trở nên gần gũi với đời sống nghệ thuật và được nhiều đoàn nghệ thuật quan tâm hơn.
Bên cạnh đó, Liên hoan không chỉ thu hút các đơn vị sân khấu công lập mà còn khá nhiều đơn vị sân khấu ngoài công lập; không chỉ có các đơn vị sân khấu ở trung ương, các thành phố lớn mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Tham gia dàn dựng tác phẩm có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, kỳ cựu trong giới.
Đặc biệt, tại Liên hoan lần này có sự tham gia của Đoàn nghệ thuật Quân đội nhân dân với 2 vở chèo của Nhà hát Chèo Quân đội, đem đến cho Liên hoan hình ảnh “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, là sự thể hiện sinh động trong mối quan hệ, gắn bó sâu sắc giữa quân đội nhân dân với CAND trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước.
Tôn vinh hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân
Các đề tài tham dự Liên hoan lần này khá đa dạng, trong đó, đề tài về phòng chống tội phạm ma túy có 11 kịch bản; điều tra phá án có 12 kịch bản; đấu tranh loại bỏ tiêu cực có 3 kịch bản; chống tệ nạn xã hội có 3 kịch bản; chống tham nhũng tiêu cực có 3 kịch bản; đấu tranh với các thế lực phản động có 3 kịch bản; đề tài chính luận khác có 3 kịch bản. Ban Tổ chức cho biết, các đề tài đã khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu, khắc họa hình ảnh Bác Hồ với CAND và CAND làm theo lời Bác; đồng thời, ca ngợi hình ảnh cao đẹp, tấm gương của người cán bộ, chiến sĩ CAND mưu trí, dũng cảm, không quản hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, khắc phục mọi khó khăn, lập nhiều chiến công, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Những hình ảnh của Công an, từ người chiến sĩ tình báo, người chiến sĩ an ninh, hình ảnh của lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy, sự nỗ lực quyết tâm, hy sinh quên mình của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng cho đến các đồng chí quản giáo, giám thị trại giam, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra… đều được tìm hiểu, khai thác trong các tác phẩm.
Đem đến Liên hoan vở diễn “Chuyên án Z5” về đề tài chống tham nhũng, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, đề tài của vở diễn không mới, thậm chí là những câu chuyện mà đã quen, đã thấy nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như quan chức cấp cao, đứng đầu tỉnh sai phạm, bị ra tòa. Tuy nhiên, dựng vở về công an cho một đơn vị trong lực lượng Công an nên có tính đặc thù. Vở diễn phải có tính tư tưởng, chủ đề ca ngợi, nêu bật hình tượng người chiến sĩ công an. “Chúng tôi cố gắng làm mềm hóa đi, để nội dung trong vở diễn không nặng về vấn đề mang tính nghiệp vụ và đẩy mạnh khai thác nhân vật ở góc độ con người. Ở đó, cán bộ, chiến sĩ Công an có những trăn trở, có những tiếc nuối, đôi khi bắt đối tượng phạm tội nhưng cũng trĩu nặng tâm tư chứ không đơn thuần là sự hài lòng là mình đã hoàn thành nhiệm vụ, khép lại được một vụ án” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.
Lần đầu tiên Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng vở “Bão ngầm” về hình tượng người chiến sĩ CAND, Đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai, Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ rằng, đưa kịch bản viết về vụ án lên sân khấu cải lương là một thách thức. Theo NSND Hoàng Quỳnh Mai, với các đề tài về đấu tranh phòng chống tội phạm, về cảnh sát hình sự, điện ảnh, kịch nói sẽ dễ khai thác hơn các loại hình kịch hát dân tộc, trong đó có cải lương. Tuy nhiên, trong vở “Bão ngầm”, đạo diễn đã áp dụng nhiều thủ pháp vốn có của cải lương là chất tự sự, chất trữ tình bay bổng và cả tính bi tráng làm nổi bật tâm trạng số phận các nhân vật. Đạo diễn tin tưởng rằng, khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương sẽ có thêm một tác phẩm khắc họa rõ nét hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu của nghệ thuật cải lương. Ở đó không chỉ có những chiến công, kỳ tích mà là đời sống tâm hồn với không ít thách thức mà những người chiến sĩ Công an phải vượt qua chính mình.
Bên cạnh những tác phẩm của các đơn vị có tên tuổi, nhiều tác phẩm của các địa phương cũng hứa hẹn mang đến liên hoan những màu sắc mới cho nghệ thuật sân khấu về đề tài CAND như: Vở Kịch nói “Lằn ranh” của Nhà hát Kịch TP. Hồ Chí Minh; Vở chèo “Tiếng chuông” của Nhà hát Chèo Hưng Yên; Vở dân ca Bài chòi “Vòng xoáy” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam; Vở chèo “Vụ án Am Bụt Mọc” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa; Vở cải lương “Chuyện của Dung” của Đoàn Cải lương Long An; Vở cải lương “Hồi sinh” của Đoàn Cải lương Hải Phòng…
Ban tổ chức cũng mong muốn, thông qua Liên hoan lần này, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện tài năng, phát hiện, tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật về đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân. Đồng thời, các đơn vị rút ra những kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật và phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền về truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.
Theo dangcongsan.vn