Hiện nay, mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, với tỷ lệ 75% tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout...
Kết quả của cuộc điều tra năm 2017 - 2018 tại 75 trường học thuộc 25 xã/phường của TP Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng cho thấy, học sinh tiểu học ở thành phố có tỷ lệ thừa cân béo phì rất cao: 41.9%; nông thôn: 17,8%; học sinh trung học cơ sở ở thành thị thừa cân béo phì: 30.5%. Đối với học sinh trung học phổ thông, tỉ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh tiểu học và THCS, nhưng tỉ lệ này ở thành thị cũng cao hơn vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự thay đổi mô hình bệnh tật này, đó là sai lầm trong dinh dưỡng như: ăn uống thiếu lành mạnh, không hợp lý, ăn quá nhiều đạm, mỡ, muối…là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các bệnh mạn tính không lây. Và thực sự không sai khi nói đây là “bệnh từ miệng mà vào”.
Ăn quá mặn - ăn quá ngọt
Sự thay đổi về mô hình bệnh tật tại Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ sự thay đổi chế độ ăn uống của người dân trong cuộc sống hiện đại. Sự lạm dụng các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn cũng như việc sử dụng quá nhiều các loại nước ngọt, nước có gas… thường chứa nhiều đường; tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Ăn mặn làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận… Hiện nay đa số người dân đều ăn thừa muối từ 2 đến 3 lần so với nhu cầu khuyến nghị là 5g muối/ngày (1 thìa cà phê), hoặc 8g bột canh (1,5 thìa cà phê), 25ml nước mắm (3 thìa con cá), 35ml xì dầu (3,5 thìa con cá). Các món ăn thông thường chứa nhiều muối như: các món kho, rim, rang, dưa cà muối, cá khô. Thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, thịt xông khói, bim bim, các món ăn rang muối.
Ăn ngọt, ăn quá 25g đường/ngày gọi là ăn nhiều đồ ngọt, hạn chế tiêu thụ đường từ tất cả các nguồn thực phẩm, đồ uống, tương đương 5 thìa cà phê đường. Các loại thức ăn nhiều đồ ngọt như: đường, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, các loại nước ép hoa quả, các loại sữa nước, sữa bột có nhiều đường, cà phê tan có đường.
Những loại thức ăn này làm gia tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch. Do vậy, cần hạn chế các loại đường, bánh kẹo, nên uống các loại nước quả ép tươi ít hoặc không đường, sữa không đường. Mỗi người mỗi ngày không nên ăn quá 25g đường từ tất cả các nguồn thực phẩm, đồ uống, tương đương 5 thìa cà phê đường.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe
Thiếu hụt trái cây trong khẩu phần ăn
Theo kết quả điều tra quốc gia, yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 có tới 57,2% người ít ăn rau/trái cây (≤ 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày). Ăn ít rau, quả được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau, quả là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ.
Nguy cơ từ thực phẩm không an toàn
Dinh dưỡng là nền tảng của sức khỏe, giá trị đích thực của dinh dưỡng chỉ khi thực phẩm an toàn với sức khỏe con người. Thực phẩm an toàn với con người khi không có hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, không bị nhiễm khuẩn, kim loại nặng, tồn dư kháng sinh…Vì vậy, người nội trợ nói chung và người tiêu dùng nói riêng hãy trang bị những kiến thức về cách lựa chọn thực phẩm, để an toàn cho sức khỏe con người.
Để miếng ăn không kèm bệnh tật
Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn uống hợp lý, cân đối và đa dạng các loại thực phẩm. Sử dụng từ 15-20 loại thực phẩm hàng ngày từ 4 nhóm thực phẩm glucid, lipid, protid, vitamin và muối khoáng. Ăn đủ nhu cầu về các chất dinh dưỡng.
Chất đạm: Một chế độ dinh dưỡng tiêu chuẩn cần cung cấp một nguồn đạm dồi dào, hợp lý và cân đối từ tất cả các nguồn cung cấp đạm như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản và thực vật.
Các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò…) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gout… Do đó, một người bình thường nên tiêu thụ trung bình 1,5kg thịt/tháng, tăng cường sử dụng các loại thịt gia cầm, khuyến khích ăn cá: ít nhất ba bữa cá/tuần, trung bình 2,5kg cá/tháng. Tăng sử dụng đậu tương và chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành... với định mức tương đương khoảng 2-3kg đậu phụ/tháng.
Các sản phẩm nước có gas, nước ngọt thường chứa nhiều đường
Chất béo: Cần đảm bảo một tỉ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật (mỡ lợn, mỡ gà,...) và chất béo thực vật (dầu, đậu tương, vừng, lạc...). Nên giữ trong khẩu phần hàng ngày ít nhất là 40% chất béo thực vật, chất béo động vật không nên vượt quá 60%. Ăn phối hợp mỡ động vật và dầu thực vật, không nên thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng các chất béo thực vật. Dầu, mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi đổ bỏ; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư. Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể; nếu tiêu thụ quá nhiều dễ gây thừa cân béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê dầu, mỡ.
Rau và quả chín: Tăng cường tiêu thụ rau xanh và hoa quả chín, ăn ít nhất 400 gam rau, quả mỗi ngày có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải… Rau quả là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ cho cơ thể.
Không ăn mặn: Thói quen ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, ung thư dạ dày. Chỉ nên ăn < 5g muối/ngày/người (gần bằng một thìa cà phê).
Thực hiện lối sống lành mạnh: Theo kết quả điều tra và thống kê năm 2015, 77,3% tỷ lệ nam giới tuổi từ 18-69 hiện tại uống rượu bia; 45,3% tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên hiện tại có hút thuốc lá; 28,1% tỷ lệ người thiếu hoạt động thể lực (<150 phút cường độ hoạt động thể lực trung bình/tuần), điều này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm ở người Việt. Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động mỗi ngày, duy trì cân nặng ở mức vừa phải; là những yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt, phòng chống mắc các bệnh không lây nhiễm.
Theo suckhoedoisong.vn