Với vỏ bọc là "Tập đoàn đa cấp" cùng hứa hẹn lợi nhuận, các bị cáo đã dẫn dụ hàng chục nghìn người bị hại với số tiền chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng.
Người bị hại ngồi kín phiên tòa
Sáng 28/7, TAND Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhóm 8 bị cáo gồm: Lê Văn Quang (SN 1973, cựu Chủ tịch HĐQT Thăng Long Group), Phạm Ngọc Tuân (SN 1985, cựu Giám đốc Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long), Vũ Đình Hùng (SN 1983, cựu Phó Giám đốc Công ty nhượng quyền Thăng Long), Đỗ Văn (tức “Michael Do”, cựu Giám đốc Công nghệ thông tin Thăng Long).
Huỳnh Trọng Nghĩa (SN 1988, cựu Giám đốc truyền thông Công ty nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Hồng Thái (SN 1980, cựu Giám đốc đào tạo Công ty nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Thành Nam (SN 1982, cựu Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Công ty nhượng quyền Thăng Long), Hoàng Hải Yến (SN 1980, cựu Giám đốc tài chính Công ty nhượng quyền Thăng Long).
Phiên tòa ngày 28/7 chật kín vì số lượng bị hại quá đông. (Ảnh: Trọng Phú)
Đến dự phiên tòa, khoảng hơn 200 bị hại đã ngồi chật kín phòng xét xử. Với số lượng bị cáo và bị hại đông, phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 3 ngày. Tập đoàn đa cấp Thăng Long bị cáo buộc đã lừa đảo 36.000 nạn nhân với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số nạn nhân có nhiều người nghèo, phải bán đi tài sản, vay nợ vì tin vào những "lời đường mật" của các đối tượng.
Theo cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa, năm 2014 Lê Văn Quang thành lập ra hệ thống các công ty gọi là Thăng Long Group và Quang làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn này.
Các đồng phạm của Quang được giao các chức danh cụ thể trong hệ thống Thăng Long Group với nhiệm vụ xây dựng các hình ảnh quảng cáo, mục đích để mọi người tin tưởng rằng, Thăng Long Group là Tập đoàn mạnh trong nhiều lĩnh vực.
Sau đó, Lê Văn Quang lập ra Công ty nhượng quyền Thăng Long và xin giấy phép kinh doanh đa cấp của Bộ Công thương để tạo vỏ bọc hợp pháp thu hút người nộp tiền.
Nhiều người dân nghèo "mắc bẫy"
Nhóm Lê Văn Quang đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn để thu hút bị hại: Mua gói sản phẩm trị giá 31 triệu đồng, trong tương lai sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua gói 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua gói 46 triệu đồng được nhận 153 triệu đồng (gấp 3,3 lần)... Đồng thời, nhóm bị cáo tổ chức các hội nghị vinh danh để thúc đẩy tâm lý muốn tham gia.
Gói sản phẩm mà Tập đoàn Thăng Long bán là sản phẩm làm đẹp da, thực phẩm chức năng Nutrition, thực phẩm chức năng giải rượu, giải độc gan…
Theo vị đại diện Viện kiểm sát, 8 bị cáo phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền chiếm đoạt là 736 tỷ đồng của hơn 36.000 bị hại.
Một nhóm người bị hại có mặt trước cổng TAND TP Hà Nội với hi vọng lấy lại được một phần tài sản bị chiếm đoạt. (Ảnh: Trọng Phú)
Bà Phí Thị O. (58 tuổi, Sơn La) là một trong những bị hại có mặt ở phiên tòa 28/7. Theo bà O., năm 2014 bà được một người quen (thực chất là đại lý của Tập đoàn Thăng Long) đến nhà rủ rê. Biết bà O. có ông chồng nghiện rượu, người này giới thiệu Tập đoàn Thăng Long bán sản phẩm "thuốc cai rượu", bổ gan, chống lão hóa. Nếu bà O. nộp 46 triệu thì sẽ được hưởng gói điều trị trong 10 năm, đồng thời được tham gia là thành viên, nếu rủ rê thêm người khác sẽ được hưởng hoa hồng và mức lãi suất tùy theo số tiền đã đóng.
Tin lời, bà O. đi bán hết thóc lúa, nông sản trong nhà và tiền tích lũy được 10 triệu rồi đi vay thêm hơn 30 triệu để đóng cho Thăng Long. "Sau khi đóng tiền tôi được họ cho 10 hộp thuốc. Nhưng chỉ sau đó vài tháng có thông tin Thăng Long phá sản. Chúng tôi là nông dân, giờ tiền vay mượn không biết trông vào đâu để trả nợ" - Bà O. cay đắng cho biết.
Giống như bà O., nhiều người nông dân chân chất đã bị lừa và phải có mặt tại phiên tòa với hi vọng đòi lại được phần nào đồng vốn đã bỏ ra. "Chúng tôi theo vụ việc đã hơn 5 năm rồi, rất mệt mỏi. Giờ tôi chỉ hi vọng tòa xử hợp lý để trả lại một phần tài sản cho người dân" - Ông Ngô Văn H. (40 tuổi, Sơn La) hy vọng./.
Theo Võ Nam/VOV.VN