Cùng với sự phát triển của ngành điện ảnh, đã có 21 kỳ Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tổng kết, ghi nhận thành tựu, đồng thời nâng cao chất lượng sáng tác, sản xuất và quảng bá điện ảnh. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các LHP VIỆT NAM đang đứng trước thách thức cần phải có thương hiệu mang tầm quốc gia, được xây dựng một cách bài bản, khoa học và chuyên nghiệp để tạo sức hấp dẫn đối với đời sống nghệ thuật trong nước và quốc tế.
NSND, đạo diễn Minh Trí đóng góp ý kiến tại hội nghị - hội thảo.
Liên hoan Phim Việt Nam là sự kiện điện ảnh truyền thống, được tổ chức định kỳ hai năm một lần tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, việc xây dựng Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam” lại hoàn toàn mới mẻ và là một nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2018. Hội nghị - Hội thảo “Xây dựng và Quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 16-7 và Hà Nội ngày 29-7, quy tụ nhiều nghệ sĩ, chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quản lý, sản xuất và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Hầu hết các tham luận, ý kiến đều tập trung vào các giải pháp: tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng của LHP Việt Nam; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và tiếp thị sản phẩm để điện ảnh Việt Nam trở thành thương hiệu có uy tín và tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, điện ảnh Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây đã tiệm cận được với quy mô của một ngành công nghiệp văn hóa. Điều đó thể hiện qua số lượng phim sản xuất và phát hành tăng mạnh, nhiều dự án phim được xã hội hóa, dòng phim do doanh nghiệp, cá nhân đầu tư đạt giá trị kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12-2019, cả nước có 204 cụm rạp với 1.050 phòng chiếu phim, ước tính doanh thu thương mại đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhờ sự phát triển của điện ảnh, LHP Việt Nam đã trở thành sự kiện thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và đông đảo mọi tầng lớp khán giả, tác động tích cực vào đời sống văn hóa của nhân dân. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, mười năm qua mỗi kỳ LHP Việt Nam đều đón trên dưới 1.000 đại biểu tham dự, số lượng khán giả trực tiếp xem phim và giao lưu với nghệ sĩ điện ảnh đạt từ 3.000 đến hơn 12.000 lượt người và khán giả tham dự tuần phim khoảng từ 8.000 đến 15.000 lượt người.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị - Hội thảo, một số nghệ sĩ, nhà làm phim thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của LHP Việt Nam. Về hình thức, còn chưa có sự đổi mới để đáp ứng tình hình thực tế; chưa phát huy được hiệu quả quảng bá hình ảnh, kích cầu du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế. Về nội dung, chưa thúc đẩy được sự sáng tạo của các nhà làm phim trẻ, khai thác tiềm năng, ý tưởng của những nhà làm phim độc lập; chưa xây dựng những ưu đãi hoặc chiến lược quảng bá nhằm khuyến khích các phim đoạt giải được phổ biến rộng rãi đến với mọi tầng lớp khán giả trong nước và ngoài nước; công tác quảng bá trên mạng chưa được coi trọng và phát triển thành một công cụ quảng bá chính như nhiều LHP quốc tế đã áp dụng; đội ngũ thực hiện chưa được đào tạo bài bản, còn bị động, chậm trễ, sai sót...
Các nhà nghiên cứu điện ảnh cho rằng, để nâng cao vị thế, tăng cường quảng bá hiệu quả LHP Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu một số biện pháp trong đầu tư nâng cao số lượng, chất lượng phim tham dự; thay đổi dạng thức tổ chức; xã hội hóa, kết hợp với các lĩnh vực xúc tiến đầu tư; áp dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá... Từng có thời gian làm việc tại một LHP quốc tế lớn và tham dự nhiều LHP, đạo diễn Lương Đình Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu LHP Việt Nam là vô cùng quan trọng, nhất là trong thời buổi “nền kinh tế hình ảnh” được chú trọng. Ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, quốc gia thì điện ảnh sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Ông đưa ra các giải pháp: Cần có Ban Giám đốc LHP Việt Nam cố định để hoạt động ổn định, liên tục; xác định tác phẩm điện ảnh là nhân tố cốt lõi để tập trung phát hiện, đầu tư; cần mời ban giám khảo uy tín, có thương hiệu quốc tế. Ngoài ra, LHP Việt Nam cũng cần lập quỹ để mỗi năm đầu tư cho một số bộ phim chất lượng, các phim này sẽ tham dự LHP quốc tế.
Theo Bài và ảnh: MAI LỮ/nhandan.com.vn