Đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La ngày nay vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống và bản sắc độc đáo. Đặc biệt, cộng đồng này có những người được bà con tôn sùng “thủ lĩnh” của bản.
Phụ nữ thái nấu món xôi ngũ sắc truyền thống. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bài 2: Những “thủ lĩnh” thầm lặng của du lịch cộng đồng người Thái
Đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La được tiếng là cộng đồng thiểu số văn minh và có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Chẳng thế mà biết bao áng văn thơ, hội họa và nhiếp ảnh của các thi nhân đã để lại nơi này.
Không chỉ là tộc người có nhiều nhan sắc khiến bao chàng trai phải ngẩn ngơ “chả mắc noọng” (anh yêu em) đầy bịn rịn trước lúc chia tay, mà trong chuyến trở lại vùng đất ấy, chúng tôi còn bắt gặp câu chuyện đẹp về những người được bà con tôn sùng “thủ lĩnh” của bản. Họ có tiếng nói, có khả năng kết nối và dẫn dắt cộng đồng vừa bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống vừa tạo ra giá trị kinh tế bền vững.
Những “thủ lĩnh” của bản…
Thân hình cao lớn, vuông vức, ông Hà Văn Quyết (62 tuổi) ở bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, có thâm niên 20 năm làm trưởng bản và cũng từng là cán bộ phụ trách nhà máy chế biến chè. Điều kiện làm việc giúp ông thường xuyên được tiếp xúc, học hỏi các chuyên gia đến từ nhiều nước nên hiểu biết phong phú về những nền văn hóa khác nhau. Chính vì thế ông rất có tiếng nói trong cộng đồng và được bà con tin tưởng.
Ông Quyết cũng là người hỗ trợ các doanh nghiệp Đài Loan trong việc kết nối, làm việc với người dân. Chục năm trước, khi địa phương chủ trương phát triển du lịch cộng đồng có mời 20 hộ dân tham gia, trong khi hầu hết đều e dè do không có kỹ năng và thiếu vốn đầu tư thì ông Quyết đã sớm có nhận thức về du lịch.
Nếp nhà sàn truyền thống của gia đình ông Quyết ở bản Dọi. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Sẵn tâm huyết với công việc được giao du rộng, ông Quyết bắt tay ngay vào làm homestay trên khuôn viên đất rộng hơn 2.000m2, riêng căn nhà sàn 8 gian, diện tích khoảng 130m2 của gia đình có thể phục vụ được 20 khách mỗi ngày. Ông được một công ty du lịch lớn mà sau đó trở thành đối tác “cầm tay chỉ việc.” Là người nhanh nhạy, ông Quyết nhanh chóng thạo việc và yêu thích công việc mới.
Cũng chính ông sau đó lại tiếp tục dẫn dắt các hộ dân khác, trở thành chuyên gia, đào tạo lại cho bà con làm homestay. Hiện 5 hộ làm du lịch của bản đều do ông hướng dẫn từ cải tạo nhà, vườn, sắp xếp cây cối, trồng hoa đến vệ sinh môi trường… Ông còn giữ vị trí trưởng nhóm du lịch, trưởng ban chỉ đạo cố vấn du lịch cộng đồng, bà con ai cũng răm rắp nghe theo.
Lãnh đạo huyện Mộc Châu đánh giá ông Quyết là tấm gương điển hình làm kinh tế ở địa phương và tiên phong của du lịch bản Dọi. Ví như để phục vụ mô hình du lịch, ngay từ bây giờ phía sau nhà ông đã trồng cả một vườn anh đào. Đến mùa hoa nơi đây sẽ thành điểm đến thu hút du khách.
Cách đó vài chục km, anh Hà Văn Trọng là trưởng bản Vặt (xã Mường Sang) hơn 10 năm nay cũng rất nhiệt huyết, xông xáo và không ngại việc.
Trưởng bản Hà Văn Trọng. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/Vietnam+)
Đôi mắt sáng và bước chân nhanh nhẹn như con sóc trong rừng, anh Trọng dẫn chúng tôi tham quan những điểm mà theo anh còn chưa được khai phá ở Mường Sang như: suối Tá Văng Hay; di tích khu tự trị Thái-Mèo; chùa cổ Chiền Viện (do người Thái xây dựng từ thế kỷ XIII); cây đa khổng lồ; tuyến đi trek xuyên rừng thông bản Áng… Đây đều là những di tích giàu giá trị lịch sử, điểm du lịch sinh thái tự nhiên độc đáo nhưng ít được du khách biết đến.
Tham gia các tổ nhóm du lịch cộng đồng, nhân tố quan trọng và có tầm nhìn của bản Vặt ấy đã luôn hô hào, động viên bà con tích cực bám trụ với homestay. Trước đây, các nhà mạnh ai nấy làm nhưng nhờ có anh Trọng làm “trọng tài” cùng sự hỗ trợ của dự án AOP (Action on Poverty tại Việt Nam – đơn vị thực hiện dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng”) mà hơn chục hộ homestay đã vui vẻ cùng nhau chia sẻ dịch vụ cho khách, mang đến lợi ích chung cho cả cộng đồng.
Giúp phụ nữ Thái thể hiện “quyền năng”
Homestay tiêu chuẩn, người dân phục vụ nhiệt tình, thân thiện… là ấn tượng khi chúng tôi được trải nghiệm du lịch cộng đồng của người Thái ở Sơn La. Và để có được sự chuyên nghiệp ấy, không chỉ nhờ dẫn dắt của các thủ lĩnh như ông Quyết, anh Trọng mà còn bởi hỗ trợ âm thầm của dự án AOP do Chính phủ Australia tài trợ.
Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng” (2019-2021) này nhằm phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng chất lượng, bền vững; nâng cao năng lực quản lý và vận hành du lịch của phụ nữ; hỗ trợ tài chính và gây dựng tài sản cho phụ nữ; tạo dựng các nhóm và tổ chức cộng đồng để quản lý và vận hành các hoạt động du lịch chất lượng; hỗ trợ truyền thông quảng bá sản phẩm và xây dựng các quan hệ đối tác du lịch.
Nhờ dự án AOP mà phụ nữ Thái đang dần nâng cao được 'quyền năng' của mình bằng kinh tế. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/Vietnam+)
Với mục tiêu đó, dự án chủ yếu tập trung cải thiện sinh kế nhằm nâng cao quyền năng cho “phái yếu.” “Chúng tôi nhận thấy du lịch có rất nhiều hoạt động phát huy được lợi thế của phụ nữ. Trước đây đến bản, chúng tôi thấy họ ít có tiếng nói, nhưng sau các lớp tập huấn và đặc biệt sau khi người phụ nữ được cải thiện ‘quyền năng kinh tế,’ tức là họ có khả năng kiếm ra tiền thì tiếng nói của họ khác nhiều,” anh Vũ Tuyển, chuyên gia phụ trách dự án ở Việt Nam cho biết.
Theo anh Tuyển, các hoạt động của dự án quy định trên 50% phụ nữ tham gia. Họ được tập huấn kỹ năng quản lý homestay, cách lên thực đơn, nấu món ăn, tiếp đón khách, và phát triển các dịch vụ du lịch (tuyến đi bộ khám phá, biểu diễn văn nghệ truyền thống, cho thuê xe đạp, xe máy, cung cấp sản vật địa phương...). Từ những học hỏi đó mà hiểu biết hơn, làm du lịch hiệu quả để tăng thu nhập và rồi nhiều người không chỉ độc lập về kinh tế mà còn trở thành trụ cột gia đình.
Đến thời điểm này đã có 21 homestay ở Mộc Châu được hỗ trợ kinh phí. Các chuyên gia cho biết, khó khăn nhất là thuyết phục người dân làm theo chuẩn dự án. Ví dụ, cũng là tu sửa nhà nhưng phía dự án muốn giữ lại những nếp nhà truyền thống, bản sắc trong khi bà con quan niệm đã sửa là phải sơn thật lung linh mới đẹp. Và thực tế, không phải ai cũng hiểu hết giá trị mình đang nắm giữ.
Cán bộ dự án AOP tư vấn kỹ thuật cải tạo nhà truyền thống cho người dân tộc Thái ở Sơn La. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Được biết, để triển khai hoạt động homestay, các hộ dân được vay vốn trong vòng 4 năm không trả lãi, đảm bảo điều kiện sau 1 năm vay phải tu sửa nhà cửa, tham gia tập huấn, từ năm thứ 2 hoạt động có thu nhập mới bắt đầu hoàn trả vốn 30%, năm thứ ba hoạt động trả 30% và năm cuối là 40%.
Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ không quay về nhà tài trợ mà được giữ lại cộng đồng bằng cách thành lập doanh nghiệp xã hội do các cá nhân địa phương trực tiếp quản lý, và tiếp tục cho các hộ khác vay để nhân rộng mô hình.
Nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho du lịch cộng đồng, doanh nghiệp cũng kiêm cả chức năng quản lý chất lượng các homestay, chất lượng bữa ăn, chất lượng các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách… đồng thời có nhiệm vụ liên kết, quảng bá với các đơn vị lữ hành đưa khách về. Như thế, dù dự án có hết thời hạn nhưng vẫn có thể đồng hành, hỗ trợ cùng bà con.
Đặc biệt, mỗi du khách khi đến sử dụng dịch vụ ở bản là đã góp ít nhất 10 % vào quỹ du lịch cộng đồng địa phương. Quỹ sau đó sẽ được dùng tái đầu tư hạ tầng, như sửa đường hay xây trường học, làm hệ thống nước sạch…
Nét truyền thống trong căn nhà sàn người Thái ở Mộc Châu. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
Với những hỗ trợ của AOP, mọi người dân đều được hưởng lợi, vừa phát triển sinh kế vừa giữ được nét hài hòa của văn hóa truyền thống. Đương nhiên, để hấp dẫn khách du lịch đến Mộc Châu ngày càng đông như hiện nay còn là bởi địa phương này có rất nhiều tiềm năng và giàu bản sắc. Chẳng thế mà năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030./.
Theo Xuân Mai (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/lan-toa-ban-sac-van-hoa-nguoi-thai-bang-du-lich-cong-dong/652881.vnp