Cập nhật: 22/08/2020 18:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo công bố điểm chuẩn của các tỉnh thành trong cả nước, điểm trúng tuyển ở nhiều trường thấp "tới đáy" khi chỉ lấy 2,9 điểm cho 3 môn thi.

Kết thúc đợt tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập năm học 2020-2021, theo công bố điểm chuẩn của các tỉnh thành trong cả nước, điểm trúng tuyển ở nhiều trường thấp "tới đáy" khi chỉ lấy 2,9 điểm cho 3 môn thi trong khi đó điểm chuẩn có trường cao “chót vót” trên 40 điểm. Việc các trường có điểm trúng tuyển thấp đã bộc lộ nhiều bất cập trong đào tạo bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông ở các địa phương.

Điểm chuẩn vào lớp 10 một số trường THPT ở Thanh Hóa.

Năm nay, điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 ở Thanh Hóa khiến nhiều người bất ngờ, bởi điểm chuẩn của một số trường nằm ở “đáy”. Học sinh chỉ đạt trung bình dưới 1 điểm 1 môn vẫn trúng tuyển, đó là trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh) với 2,9 điểm cho 3 môn thi Văn, Toán, Ngoại ngữ, trong đó điểm Toán và Văn nhân hệ số 2. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm/môn đã trúng tuyển vào trường này. Các trường khác của tỉnh Thanh Hóa cũng lấy điểm chuẩn thấp từ dưới 5 điểm đến 9 điểm như Trường THPT Thường Xuân 3 lấy 4,6 điểm; Trường THPT Lê Lai: 5 điểm; Trường THPT Ba Đình: 6,3 điểm,...

Lý giải về nguyên nhân điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường thấp, một số giáo viên và chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân lớn là do ảnh hưởng của dịch bệnh và những bất cập trong đào tạo hiện nay. Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Đông Bắc Ga, tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Điểm thấp cho đợt thi vừa rồi có nhiều lý do, dẫn đến phổ điểm chung đều thấp cả. Để lấy đủ chỉ tiêu cho các trường thì họ buộc phải lấy thấp thôi, điều gần như là hiển nhiên. Bởi vì nếu họ không lấy thấp xuống thì dẫn đến không đủ chỉ tiêu. Còn việc lấy thấp xuống thì tất nhiên là nó chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế là học sinh học kém".

Không chỉ riêng Thanh Hóa mà nhiều trường ở địa phương khác cũng có điểm trúng tuyển vào lớp 10 công lập dưới 10 điểm, như: Trường THPT Con Cuông, tỉnh Nghệ An điểm trúng tuyển là 8,6 điểm; tỉnh Lạng Sơn 8 trường có điểm trúng tuyển dưới 10 điểm; tỉnh Bắc Giang có 4 trường điểm trúng tuyển dưới 10 điểm...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), chất lượng giáo dục không đồng đều ở các khu vực trong một tỉnh, thành phố. Vì vậy, ngành giáo dục- đào tạo cần đánh giá lại chất lượng giáo dục để có giải pháp điều chỉnh việc dạy và học: "Rõ ràng kết quả thấp thì địa phương, nhà trường đó phải xem xét lại quá trình dạy và học của học sinh như thế nào. Phải chỉ được ra nguyên nhân tại sao như vậy. Nếu như nhiều năm rồi mà không thay đổi thì chúng ta phải xem lại cách dạy của những nơi đó, các điều kiện học tập của học sinh, việc hỗ trợ của chính quyền, của ngành đối với học sinh như thế nào. Cùng là bài tập ấy, ở những nơi khác nếu như có chênh lệch thì không có sự chênh lệch quá xa như vậy".

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm ngoài mục tiêu để các trường THPT tuyển sinh còn là cơ hội để ngành chức năng đánh giá lại chất lượng dạy học thực chất, khách quan nhất. Dù một số trường THPT công lập có điểm trúng tuyển thấp, nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Bởi học sinh và phụ huynh vẫn còn tâm lý học để đi thi. Một số trường vẫn chạy theo thành tích, chưa đánh giá đúng năng lực học sinh. Nếu không tổ chức thi sẽ khó đánh giá được chất lượng dạy và học như thế nào. Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục nêu quan điểm: "Tâm lý học để thi nó không đơn giản ở chỗ là ở phía Bộ Giáo dục- Đào tạo, phía thầy cô giáo, mà nó ăn rất sâu vào từng phụ huynh, từng phụ huynh. Ở những cơ sở đào tạo mà đang có vấn đề trong việc đào tạo thì chính các kỳ thi đã lộ ra những vấn đề của họ, vậy thì chúng ta phải nhìn thẳng vào những vấn đề này để chỉnh sửa. Ở những vùng sâu, vùng xa, tôi nghĩ rằng tốt nhất là chúng ta nên phát triển những trường vừa làm vừa học và những trường dạy nghề chứ không nên phát triển trường cấp 3".

Các chuyên gia cũng nhận định, các trường phổ thông không sai khi đưa ra điểm chuẩn trúng tuyển thấp để có học sinh cho đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, điểm thi đầu vào thấp thì khó đảm bảo học sinh có đủ năng lực để học tốt kiến thức ở bậc phổ thông. Vì vậy, chính quyền và ngành giáo dục địa phương cũng cần đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở để các em lựa chọn được hình thức học tập phù hợp với năng lực của bản thân.

Theo Minh Hường/VOV1

Tệp đính kèm