BV Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị nội trú 2 ca ngộ độc Pate Minh Chay và có 4 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú sau khi dùng thực phẩm này.
Thông tin về tình hình các ca ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, tại khoa đang điều trị nội trú cho 2 bệnh nhân là vợ chồng ông Đ.G.T (sinh năm 1950) và bà T.T.B.L (sinh năm 1952), ở Hoài Đức, Hà Nội, sau khi dùng Pate Minh Chay.
Ngày 18/8/2020, hai bệnh nhân này được chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nhập viện Trung tâm chống độc sang Khoa Chống độc BV Bạch Mai, với chẩn đoán theo dõi ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum.
Lọ pate Minh Chay được bệnh nhân mang tới bệnh viện lấy mẫu.
Trước đó, tháng 7/2020, hai bệnh nhân mua và sử dụng món pate chay nhãn hiệu Minh Chay. Khi sử dụng hộp pate thứ hai vào khoảng cuối tháng 7, bệnh nhân thấy có mùi khác thường. Sau đó, các triệu chứng xuất hiện nhanh, khởi đầu là đau họng, khó nuốt, sụp mi, nói khó, yếu tay, yếu chân…
Hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt ngoại biên đối xứng toàn thân kiểu lan xuống, đồng tử giãn. Trong đó, bệnh nhân L không tự ngồi được, liệt nhẹ cơ hô hấp. Bệnh nhân T liệt cơ gần như hoàn toàn, còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân, thở máy. Cả 2 bệnh nhân đều tỉnh táo và không có rối loạn cảm giác, dịch não tủy và hình ảnh cộng hưởng từ sọ não không có gì đặc biệt.
Sau gần 2 tuần điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, bệnh nhân L đến nay đã tự ngồi dậy, bệnh nhân T vẫn liệt cơ gần như hoàn toàn, còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân và phụ thuộc thở máy. Tiên lượng liệt có thể kéo dài nhiều tháng.
“Ngộ độ thực phẩm do độc tố botulinum là loại ngộ độc nặng nề, kéo dài, dễ tử vong. Nếu nguồn thực phẩm không được kiểm soát có thể gây ngộ độc cho nhiều người. Trường hợp bệnh nhân phải thở máy sẽ phải thở máy kéo dài trong từ 2-10 tháng. Trong quá trình thở máy sẽ có nhiều biến chứng với bệnh nhân. Sau đó, quá trình hồi phục cũng phải mất rất nhiều tháng”, TS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Bệnh nhân Đ.G.T (sinh năm 1950) bị liệt cơ hoàn toàn và phụ thuộc vào thở máy.
Bệnh nhân T.T.B.L (sinh năm 1952) bị ngộ độc nhẹ hơn và đã có thể tự ngồi dậy sau gần 2 tuần điều trị.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, đây là tình trạng ngộ độc thực phẩm không xảy ra thường xuyên và thuốc giải độc cũng rất hiếm. Ở Việt Nam chưa có thuốc giải độc tố botulinum.
Với tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và sự phối hợp của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã liên hệ với Trung tâm Chống độc tại Bangkok, Thái Lan - nơi có dự trữ thuốc giải độc botulinum, để nhập về 2 lọ thuốc giải độc vào ngày 29/8 và điều trị cho 2 ca bệnh nặng này.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thông tin về các ca ngộ độc Pate Minh Chay.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, ngoài 2 ca bệnh nặng đang điều trị nội trú, có 4 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ sau khi sử dụng Pate Minh Chay đã tới khám. Những ca bệnh này đều điều trị ngoại trú.
TS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, dù độc tố botulinum rất độc, song có thể bị phá hủy bởi nhiệt. Do vậy, thức ăn được sử dụng ngay sau khi đun chín đều loại bỏ được độc tố này./.
Theo Thiên Bình/VOV.VN