Cập nhật: 03/09/2020 09:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hậu quả dịch Covid-19 gây ra cho ngành Du lịch Quảng Nam đến thời điểm này vẫn chưa thể thống kê chính thức, trong khi đó biện pháp nào để doanh nghiệp du lịch trở lại hoạt động, phục hồi vẫn đang là một dấu hỏi.

Du lịch Quảng Nam gần như “đóng băng”

Hầu như tất cả doanh nghiệp du lịch thời điểm này đều gắng gượng “gồng” mình bằng nguồn quỹ tài chính dự phòng để duy trì một số nhân viên làm các công việc bảo dưỡng, bảo vệ, dọn dẹp… Các lao động nghỉ việc nếu đủ thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp, doanh nghiệp cố gắng hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Nhưng với diễn biến dịch bệnh phức tạp, doanh nghiệp không có nguồn thu thì sự cố gắng này khó duy trì được lâu dài. Chưa kể doanh nghiệp càng phải xoay sở để tính toán chi trả các khoản vay ngân hàng, chi phí duy trì bảo dưỡng cơ sở chống xuống cấp.

Bà T.T.N, chủ một cơ sở lưu trú trên địa bàn Hội An chia sẻ: Những doanh nghiệp quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính yếu gần như cắt giảm hết tất cả mọi khoản chi tiêu, hỗ trợ cho lao động nghỉ việc. Chưa kể, nhiều ngân hàng hiện nay chỉ giảm lãi suất và vẫn bắt buộc doanh nghiệp trả lãi gốc hằng tháng, hoặc khoanh gốc trả lãi. Dù chưa thống kê cụ thể, nhưng thực tế có nhiều doanh nghiệp đã đuối sức, phải đóng cửa cơ sở, rao bán.

Trên mạng xã hội nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm tìm hướng đi cho người lao động và doanh nghiệp du lịch Hội An như thiết lập trang website giới thiệu việc làm, đào tạo online… Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, người lao động thì cũng chỉ để giúp họ giữ lửa nghề, còn hiện tại chỉ biết chờ đợi và hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm chấm dứt. Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Quảng Nam, đến thời điểm này khó thể nói rút ra được bài học gì, vì điều này chưa có tiền lệ, kể cả nếu doanh nghiệp có quỹ dự phòng tài chính thì cũng chỉ duy trì thời gian ngắn từ 3 - 6 tháng, trong khi dịch bệnh chưa biết khi nào chấm dứt, nên doanh nghiệp khó thể cầm cự được lâu dài. Mọi giải pháp đều vô nghĩa nếu dịch Covid-19 chưa được khống chế.

Trước những khó khăn đó, HHDL tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị gửi đến Tổng cục Du lịch và các cơ quan chức năng về việc đề nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-19. Ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch thường trực HHDL Quảng Nam chia sẻ trước tiên và cần thiết nhất là phải hỗ trợ người lao động trong ngành Du lịch bị mất việc. Qua khảo sát nhanh của HHDL Quảng Nam, cho đến nay mới chỉ xét duyệt được khoảng 15 đơn vị thành viên thuộc HHDL có người lao động (NLĐ) được hưởng trợ cấp tháng 4 theo gói hỗ trợ 62.000 tỉ, nhưng tiền cũng chưa đến tay NLĐ, cần được giải quyết nhanh. HHDL Quảng Nam cũng kiến nghị với nguồn vốn hỗ trợ còn lại có thể hỗ trợ NLĐ nghỉ việc vay tiền để mưu sinh với lãi suất 0 đồng. Kéo dài thời gian do hoãn HĐLĐ đến 30.9.2020 để người lao động được tiếp tục có cơ hội hưởng chính sách và sửa đổi bổ sung điều kiện hỗ trợ tại Điều 1 của Quyết định 15. Ngoài ra, cần hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc. Cho đến nay nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam cũng đã cố gắng huy động nguồn vốn để trả lương cho người lao động trong những tháng qua. Tuy nhiên, tài chính cũng dần kiệt quệ thì rất cần hỗ trợ gấp rút của chính sách từ phía Nhà nước để giúp doanh nghiệp bám trụ, đứng vững để tái sản xuất, khởi động lại kịp thời ngay khi hết dịch.

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, hiện Sở VHTTDL Quảng Nam cũng đang cố gắng tổng hợp, tham khảo, lấy ý kiến của các doanh nghiệp, địa phương, đơn vị liên quan để sớm xây dựng một kế hoạch với những giải pháp hợp lý, cụ thể hơn để phục hồi ngành du lịch Quảng Nam.

Theo K.CHI-T.HOÀI/baovanhoa.vn

 

Tệp đính kèm