Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực du lịch có thể mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt và thanh toán chi phí các dịch vụ.
Du khách tìm hiểu thông tin trên thiết bị tra cứu thông tin tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Thời gian gần đây, trong chương trình, kế hoạch phát triển "ngành công nghiệp không khói" của các địa phương, khái niệm du lịch thông minh được quan tâm đề cập với những giải pháp phù hợp để phát triển.
Hiện nay, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực du lịch có thể mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng cho chuyến du lịch tới việc đặt và thanh toán chi phí các dịch vụ.
Cơ quan quản lý có thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin còn doanh nghiệp du lịch có thể tận dụng ưu thế của công nghệ để thiết kế các sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị trải nghiệm cũng như quảng bá sản phẩm tới du khách. Đây chính là một số ưu điểm nổi bật mà du lịch thông minh đem lại.
Đáp ứng nhu cầu
Đề cập đến "du lịch thông minh," một số chuyên gia cho rằng thuật ngữ này ra đời dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sự phát triển rất mạnh của công nghệ thông tin-truyền thông đã cho phép tạo ra các sản phẩm đa dạng hơn cho ngành du lịch.
Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng tròn Việt, du lịch thông minh là xu hướng phát triển tất yếu và được thể hiện một cách rất cụ thể, thiết thực. Ví dụ, nhờ công nghệ, du khách có thể tìm hiểu rõ các thông tin về điểm đến dự định, về các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, sản phẩm trải nghiệm...
Ngay tại điểm đến, với các ứng dụng công nghệ thông tin, du khách có thể tự trải nghiệm các dịch vụ như thuyết minh tự động, trải nghiệm từng sự kiện lịch sử được tái hiện thông qua việc ứng dụng các công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường...
Giúp kết nối, quảng bá sản phẩm ngay trong thời điểm khó khăn
Với một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng cao như du lịch, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với người dự định sử dụng dịch vụ là hết sức quan trọng.
Tiến sỹ Lê Sĩ Trí, Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng hiện nay, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống Internet, đã mở ra cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh du lịch nói riêng một phương thức quảng bá hữu hiệu. Đó là hoạt động truyền thông trực tuyến, thông qua mạng Internet với một số công cụ phổ biến nhất như mạng xã hội, thư điện tử, trang thông tin điện tử, thiết bị di động và tiếp thị trực tuyến. Đây là những công cụ đơn giản, hiệu quả và ít chi phí để doanh nghiệp du lịch quảng bá sản phẩm và dịch vụ mới, tăng độ nhận diện thương hiệu, giữ lòng trung thành nơi khách hàng.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch thông minh sẽ giúp đẩy mạnh khả năng truy cập và tương tác của du khách để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, khai thác, liên kết dịch vụ du lịch, thanh toán tiện lợi hơn, góp phần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch. Thực tế hoạt động quảng bá du lịch, kết nối giữa cơ quan quản lý-doanh nghiệp-du khách cho thấy việc nắm bắt, sử dụng các ứng dụng công nghệ để tương tác là hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.
Ví dụ, ngay tại thời điểm các hoạt động du lịch bị gián đoạn vào cuối tháng 3/2020, nhiều du khách đã rất ấn tượng và có dự định đến Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần nhất có thể để trải nghiệm và thưởng thức các đặc sản sau khi được xem sản phẩm truyền thông trực tuyến "Tôi yêu bánh mỳ Sài Gòn" do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, các đơn vị truyền thông tổ chức.
Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T (Bến Tre), chia sẻ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre và Hiệp hội Du lịch Bến Tre quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết với đối tác, du khách, Công ty Truyền thông và Du lịch C2T đang triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm quảng cáo trực tuyến, đầu tư thiết kế các website nhằm tăng cường giới thiệu các điểm đến du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long trên không gian số. Đây là một trong những giải pháp giúp du khách cập nhật thông tin về các điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn để có lựa chọn phù hợp cho chuyến du lịch, qua đó khẳng định việc ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu.
Đặc biệt, ở thời điểm du lịch đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, các hoạt động tạo sự kết nối, tương tác với du khách lại càng phải được chú trọng để mối liên hệ không bị "đứt gãy."./.
Theo Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-du-lich-thong-minh-tai-viet-nam-xu-huong-tat-yeu/660911.vnp