Hiện nay, tình trạng gãy xương xảy ra khá phổ biến do tai nạn giao thông và tai nạn lao động bất ngờ gặp phải. Ðể lành xương nhanh chóng, bệnh nhân cần chú ý vận động sớm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình. Và đặc biệt ở giai đoạn phục hồi, bệnh nhân cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý giúp hồi phục nhanh chóng.
Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng là đảm bảo nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cân bằng: Đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành...); Chất béo (dầu thực vật, mỡ cá...); Nhóm bột đường (cơm, khoai củ...). Đặc biệt để tái tạo được tổ chức xương mới nơi bị gãy, cơ thể có nhu cầu nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, nhưng chủ yếu là các vi chất như canxi, magie, kẽm, phospho, axit folic, vitamin B6, vitamin B12...
Khi bị gãy xương, đặc biệt là xương chân, cơ thể chúng ta cần một lượng protein và canxi lớn để xương nhanh hồi phục. Để canxi được hấp thụ dễ dàng thì vitamin D đóng vai trò quan trọng. Để giúp protein chuyển canxi tới khung xương một cách hiệu quả giúp xương nhanh hồi phục thì cần có vitamin K. Do đó, để xương nhanh liền, cần bổ sung đầy đủ lượng vitamin D, K, canxi, protein, kẽm, magie...
Chế độ dinh dưỡng giúp mau liền xương
Các dưỡng chất giúp mau liền xương có trong thực phẩm nào?
Canxi: Là một trong những thành phần dinh dưỡng có tác dụng rất tốt cho hệ xương khớp của con người. Để xương được liền lại nhanh chóng, người bệnh cần bổ sung một lượng lớn canxi giúp tái tạo xương hiệu quả. Ngoài ra, canxi còn giúp xương chắc khỏe và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Các thực phẩm chứa nhiều canxi như cá hồi, cá mòi, sữa tươi, phô mai, sữa chua, bắp cải, hạt vừng... có hàm lượng canxi dồi dào, đặc biệt phù hợp cho người đang điều trị gãy xương. Ngoài ra, bệnh nhân bị gãy xương có thể bổ sung canxi bằng cách uống sữa tươi mỗi ngày.
Vitamin B6 và B12: Vitamin B6 có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành khung xương. Bên cạnh đó, vitamin B12 còn hỗ trợ các tế bào xương hoạt động tích cực. Những bệnh nhân đang chữa trị xương khớp, đặc biệt là gãy xương có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin như thịt bò, cá hồi, cá thu, tôm, trứng, sữa,...
Đây là những loại thức ăn bổ sung vitamin hiệu quả giúp xương hồi phục nhanh chóng. Ngoài ra, người bị gãy xương cũng nên bổ sung các loại trái cây và rau xanh như : ớt chuông, súp lơ, cà chua, đu đủ, xoài, dưa và các loại đậu. Đây không những chỉ là thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể mà còn giàu chất chống oxy hóa có khả năng chống lại các gốc tự do giúp xương nhanh lành.
Magie, phospho: Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, các loại thực phẩm chứa thành phần magie, phospho có tác dụng rất tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh xương khớp, đặc biệt là những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị gãy xương. Sau canxi, magie được xem là chất quan trọng có thể tham gia quá trình cấu tạo xương, giúp hồi phục vùng xương bị gãy. Người bệnh nên bổ sung cho cơ thể các loại thực phẩm chứa nhiều magie như cá thu, cá trích, cá chép, tôm, sữa, ngũ cốc, rau xanh, hạnh nhân...
Bên cạnh đó, phospho cũng là khoáng chất cần thiết cho xương bị gãy. Phospho chứa nhiều trong các loại thực phẩm như: lòng đỏ trứng gà, gan bò, pho mát, yến mạch, hạt óc chó. Với những loại thực phẩm chứa nhiều phospho, khuyến cáo bệnh nhân nên chia đều ra ăn hàng ngày, không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm.
Axit folic: Là một dạng của vitamin B, có tác dụng đưa oxy nuôi dưỡng tế bào trong cơ thể của con người. Chính vì tác dụng này của axit folic mà các bác sĩ khuyến khích người bệnh gãy xương tích cực bổ sung axit folic cho cơ thể để dễ dàng kiểm soát quá trình hồi phục, tái tạo xương khớp hiệu quả.
Nhờ thành phần này, các mạch máu ở xương nhanh chóng được tái tạo và chuyển hóa thành chất dinh dưỡng giúp xương bị gãy nhanh chóng phục hồi. Axit folic đặc biệt có nhiều trong các loại rau xanh và trái cây như: cải bó xôi, măng tây, đậu bắp, chuối, cam, quýt và các loại đậu...
Kẽm: Là một trong những chất khoáng vi lượng rất cần thiết cho sinh vật và sức khỏe của con người, giống như vitamin, kẽm là chất rất quan trọng, không thể thiếu của cơ thể. Đây là một trong những thành phần có tác dụng thúc đẩy vitamin D hoạt động mạnh mẽ để tăng cường hấp thụ canxi. Một số nghiên cứu cho thấy, kẽm giúp xương khớp được tái tạo và phục hồi nhanh hơn, hạn chế được tình trạng loãng xương.
Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như: thịt bò, gà, tôm, nấm, rau chân vịt, súp lơ xanh, cải xoăn, tỏi... Đây là những loại thực phẩm bổ sung kẽm vô cùng hiệu quả có tác dụng rất tốt cho sức khỏe của người bị gãy xương. Do đó, bệnh nhân có thể tích cực bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình.
Những thực phẩm không nên ăn
Đồ uống có cồn và các chất kích thích, trà đặc, nước ngọt có ga, sôcôla là những thứ không nên sử dụng trong thời gian xương gãy chưa hồi phục.
Các thức ăn nhiều mỡ cũng làm giảm hấp thụ canxi cho cơ thể vì chất béo sẽ kết hợp với canxi tạo nên một dạng chất bọt không hấp thụ và bị thải ra ngoài.
Trong quá trình chữa bệnh, ngoài việc tuân thủ điều trị theo bác sĩ ngoại khoa, nếu biết áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp người bệnh tăng cường thể lực và sức đề kháng, hạn chế các tác dụng phụ... Từ đó, phần nào sẽ mang lại tâm lý thoải mái cũng như sẵn sàng một sức khỏe tốt giúp người bệnh có niềm tin chống lại bệnh tật, quá trình chữa bệnh hiệu quả hơn.
Theo suckhoedoisong.vn