Chủ trương phát triển du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống từ nhiều năm nay đã được đưa vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Hồng. Song đến nay, hoạt động du lịch làng nghề về cơ bản vẫn chỉ diễn ra manh mún, nhỏ lẻ, đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng mô hình phát triển để vừa bảo đảm tính bền vững, vừa bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, số lượng làng nghề ở miền bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, đây là nơi sản sinh và lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, cùng với đó là những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di sản..., mang đến tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để biến những tài nguyên này thành sản phẩm du lịch hấp dẫn vẫn là bài toán hóc búa khiến nhiều làng nghề loay hoay.
Tại hội thảo “Phát triển mô hình làng nghề - du lịch và làng di sản - du lịch trong khu vực đồng bằng sông Hồng” vừa được Trường đại học Xây dựng phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Lâm tổ chức, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn đánh giá thực trạng và chỉ ra nguyên nhân khiến hoạt động du lịch ở các làng nghề truyền thống chưa thể khởi sắc. Theo PGS, TS Phạm Hùng Cường (Trường đại học Xây dựng), lý do chính là các làng nghề chưa được đánh giá đúng về các tiềm năng để phát triển du lịch. Hoạt động du lịch mới chỉ chú trọng vào việc đưa khách đến tìm hiểu, tham quan nghề mà chưa giới thiệu được những giá trị văn hóa khác của làng nghề truyền thống. Do đó, không có những sản phẩm du lịch giữ chân du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch không cao. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng chưa tập trung phát triển những sản phẩm mới để vừa thu hút du khách, vừa thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống, khiến hệ thống sản phẩm du lịch thiếu đồng bộ, kém hấp dẫn. Việc coi phát triển du lịch như một yếu tố ăn theo sự phát triển của làng nghề dẫn đến sự lộn xộn trong tổ chức không gian làng, đe dọa sự phát triển bền vững về cả yếu tố văn hóa làng nghề và du lịch.
Do đó, PGS, TS Phạm Hùng Cường cho rằng: Trên cơ sở đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu về tiềm năng phát triển du lịch của làng nghề, cần xây dựng được mô hình phát triển rõ ràng để có thể triển khai từ chủ trương thành những hành động cụ thể. Trước hết, cần thay đổi cách đánh giá về tiềm năng của làng nghề truyền thống trên góc độ phát triển du lịch. Tiềm năng này không chỉ bao gồm văn hóa nghề mà còn là các giá trị về di sản kiến trúc, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể khác thể hiện giá trị của làng truyền thống. Chẳng hạn, nhiều nghề truyền thống ở các làng như làng lụa Vạn Phúc, gốm Hương Canh, nón lá làng Chuông... đã ít nhiều mai một nhưng tính biểu tượng của nó đã đi vào tiềm thức của cộng đồng cho nên cần được nhìn nhận như một giá trị thương hiệu để quảng bá du lịch. Bên cạnh giá trị văn hóa làng, có thể khai thác cả giá trị văn hóa vùng như múa rối nước, hát chèo - những đặc sản văn hóa của đồng bằng sông Hồng để làm phong phú sản phẩm du lịch làng nghề.
Có bốn nhóm sản phẩm du lịch tại các làng nghề truyền thống có thể thiết lập, đó là: Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nghề truyền thống (khai thác lịch sử phát triển nghề, quy trình sản xuất, tinh hoa sản phẩm, tập quán hình thành liên quan nghề...); nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nghề nông (trải nghiệm làm nông như đánh bắt tôm cá, thu hoạch rau quả...); nhóm sản phẩm du lịch các di sản kiến trúc, cảnh quan (lũy tre, cây đa, đình, chùa, miếu, nhà cổ, vườn nhà, giếng, ao làng cầu đá, chợ, quán...); nhóm sản phẩm văn hóa phi vật thể (ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, trang phục, tập quán, lễ hội...). Việc xây dựng được nhiều bộ sản phẩm du lịch sẽ thực hiện được đồng thời cả hai mục tiêu phát triển nghề và phát triển du lịch, góp phần giữ chân du khách lâu hơn, kích thích họ chi trả nhiều hơn. Quá trình này cần có sự tham gia của các nhà thiết kế, tạo dáng công nghiệp để làm phong phú hình hài, mẫu mã của các sản phẩm làng nghề. Sự khởi sắc của các dòng sản phẩm ở các làng gốm Bát Tràng hay Phù Lãng chính là minh chứng cho tầm quan trọng của việc sáng tạo các sản phẩm mới cho nghề truyền thống. Triển khai các bộ sản phẩm du lịch không thể tách rời không gian du lịch, cho nên trong quy hoạch xây dựng, tổ chức không gian làng, xã, cần tích hợp cả không gian du lịch. Từ đường làng, trung tâm chỉ dẫn, khu lưu niệm, khu trải nghiệm ở các hộ gia đình... đều phải được tính toán để tạo không gian vừa mang tính bản sắc, vừa đáp ứng được các nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời, cũng cần chú ý tới việc kết nối các sản phẩm du lịch của làng nghề truyền thống với các điểm đến trong hành trình tua, tuyến của tỉnh, vùng để có lượng du khách thường xuyên, ổn định. Từ đó, từng bước khẳng định vị thế thương hiệu làng nghề, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Việc chuyển đổi phương thức hoạt động kinh tế từ nghề nông, nghề thủ công đơn thuần sang kết hợp du lịch, khai thác kinh tế văn hóa là cả một bước chuyển đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để thiết lập mô hình và đầu tư, quản lý bền vững. Do đó, theo TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, quá trình này cần có sự tham gia sâu sát của chính quyền địa phương. Chính quyền cần nỗ lực nâng cao nhận thức và tạo động lực về nguồn vốn ban đầu cho người dân để họ có đủ năng lực trở thành chủ thể trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình triển khai chuỗi sản phẩm vào thực tế.
Theo ĐẮC LINH/nhandan.com.vn