Nghiên cứu cho thấy: trẻ em dưới 6 tuổi bị trung bình từ 6 đến 8 lần cảm lạnh mỗi năm. Cha mẹ cần làm gì khi con bị cảm lạnh?
Cảm lạnh là tình trạng nhiễm virus cấp tính ở đường hô hấp trên (mũi-họng). Khi giao mùa số người bị cảm lạnh tăng mạnh do thời tiết thay đổi thất thường, sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh làm cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến hệ miễn dịch bị suy yếu. Ánh nắng mặt trời ít dần làm cho vi sinh vật dễ sinh sôi nảy nở (ánh nắng mặt trời có tia cực tím rất có lợi, là một tác nhân rất quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật), không khí tù túng kém lưu thông làm cho virus gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền. Đường hô hấp trên là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở.
Trẻ em với hệ miễn dịch còn non yếu là nhóm có nguy cơ cao nhất bị cảm lạnh. Trẻ em dưới 6 tuổi bị trung bình từ 6 đến 8 lần cảm lạnh mỗi năm (thậm chí 1 lần mỗi tháng, từ tháng 9 đến tháng 4), với thời gian triệu chứng điển hình là 14 ngày. Trong nghiên cứu của Khoa Nhi, Đại học Virginia, Charlottesville, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, trong 81 trẻ bị cảm lạnh được nghiên cứu, các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất lần lượt là: Ngạt mũi (88%); chảy nước mũi (72%); ho (69%); hắt hơi (55%).
Bất chấp những tiến bộ vượt bậc của y học, cảm lạnh thông thường tiếp tục là gánh nặng lớn cho xã hội về con người và thiệt hại về kinh tế. Câu hỏi thường trực trong đầu của rất nhiều các bậc phụ huynh là: với tần suất mắc bệnh thường xuyên như vậy họ sẽ phải làm gì để chăm sóc con của mình?
Dưới đây là 5 lời khuyên Bác sĩ gửi tới các bậc phụ huynh để chăm sóc con của mình khi chúng bị cảm lạnh.
Cảm lạnh cần được phân biệt với một số bệnh sau: Dị ứng hoặc viêm mũi theo mùa, Viêm họng hoặc Amidan do nhiễm khuẩn, Viêm mũi xoang cấp, Cúm, Ho gà… Bởi vậy sau khi bác sĩ đã loại trừ các khả năng trên và chẩn đoán chắc chắn rằng con của họ đang gặp một tình trạng cảm lạnh, các bậc phụ huynh có thể áp dụng các hướng dẫn dưới đây để chăm sóc con của mình:
Lời khuyên thứ nhất: Cho trẻ uống nhiều nước
Duy trì đủ nước có thể giúp làm loãng dịch tiết và làm dịu niêm mạc đường hô hấp.
Lời khuyên thứ hai: Ăn hoặc uống chất lỏng ấm
Ăn hoặc uống chất lỏng ấm (ví dụ như: trà, súp gà..) có thể có tác dụng làm dịu niêm mạc đường hô hấp, làm tăng lưu lượng chất nhầy ở mũi và làm lỏng dịch tiết đường hô hấp, giúp loại bỏ dịch tiết dễ dàng hơn(dịch tiết có thể được loại bỏ bằng cách hút mũi hoặc theo cơ chế tự nhiên qua cửa mũi sau).
(Nghiên cứu của giáo sư Diane E Pappas, Đại học Virginia, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng khi uống nước ấm từng ngụm sẽ làm tăng vận tốc dịch nhầy mũi từ 6,2 lên 8,4 mm mỗi phút, ngược lại khi uống nước lạnh làm giảm đáng kể vận tốc dịch nhầy mũi từ 7,3 đến 4,5 mm mỗi phút.)
Lưu ý: Chất lỏng được làm ấm phải phù hợp với độ tuổi của trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
Lời khuyên thứ ba: Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi.
Nhỏ nước muối vào khoang mũi có thể tạm thời loại bỏ các chất tiết khó chịu ở mũi, cải thiện độ thanh thải của niêm mạc và dẫn đến co mạch (thông mũi). Các tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng niêm mạc hoặc chảy máu mũi.
Ở trẻ sơ sinh có thể kết hợp nhỏ nước muối sinh lý với hút mũi:
+ Đặt trẻ nằm ngửa. Nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào mỗi lỗ mũi. Chờ một khoảng thời gian ngắn (5-10 giây).
+ Đặt đầu hút mũi vào lỗ mũi và hút cho trẻ.
+ Lặp lại nhiều lần cho tới khi hút hết chất nhầy.
+ Vệ sinh ống hút trước mỗi lần hút mũi, mỗi ngày có thể thực hiện 2-3 lần, nên thực hiện trước khi cho trẻ bú (nước muối và quá trình hút có thể làm trẻ bị nôn).
Lưu ý: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý (bơm nước muối bằng xilanh, bằng bình rửa, bình xịt..) là nền tảng trong điều trị viêm mũi xoang mạn tính, không có bằng chứng khoa học về hiệu quả điều trị đối với tình trạng cấp tính (cảm lạnh là một tình trạng cấp tính) vậy nên không được khuyến khích áp dụng. Việc rửa mũi trong đợt cấp tính có thể làm tăng nguy cơ đưa mầm bệnh vào xoang, vào tai giữa và gây bệnh cho hai cơ quan này.
Lời khuyên thứ tư: Không tự ý sử dụng các thuốc không kê đơn (OTC)
Các sản phẩm không kê đơn (OTC) để giảm triệu chứng cảm lạnh ở trẻ em bao gồm thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc chống ho, thuốc long đờm, thuốc tiêu nhầy, thuốc hạ sốt/giảm đau và sự kết hợp của những loại thuốc này.
Hàng loạt nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng: Không có bằng chứng xác đáng nào chứng minh hiệu quả của các sản phẩm (OTC) trên cảm lạnh thông thường. Nghiên cứu cũng đã ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do sử dụng quá liều sản phẩm (OTC). Cần lưu ý thêm rằng hiện nay chưa có các khuyến nghị về liều lượng an toàn khi sử dụng sản phẩm (OTC) cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.
Trẻ em dưới 6 tuổi - Ngoại trừ thuốc hạ sốt/giảm đau, nên tránh dùng thuốc không kê đơn cho cảm lạnh thông thường.
Các bậc phụ huynh nên hạn chế tối đa việc tự ý mua thuốc trị cảm lạnh cho con em của mình khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Lời khuyên thứ 5: Theo dõi kỹ diễn biến của bệnh.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các triệu chứng của cảm lạnh thông thường thường đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh và sau đó cải thiện dần trong 10 đến 14 ngày.
Các bậc phụ huynh cần lập kế hoạch theo dõi, để biết rằng nếu triệu chứng xấu đi hoặc kéo dài hơn dự kiến (ví dụ khó thở, khó nuốt, sốt cao, triệu chứng kéo dài trên 14 ngày…), con của họ có thể đã gặp phải các biến chứng của cảm lạnh và cần được đưa tới gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời./.
Theo Ths.BS Nguyễn Xuân Đạt/vov.vn