Cập nhật: 14/09/2020 10:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Về lâu dài, chất lượng sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, kích cầu du lịch gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ được ngành du lịch Quảng Nam ưu tiên thực hiện một cách đồng bộ.

Khách tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, ngay từ đầu tháng 5/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đưa ra các kịch bản về tình hình khách du lịch đến địa phương trong năm 2020 và kế hoạch phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành kinh tế mũi nhọn này trong những năm tiếp theo.

Nỗ lực thích ứng với trạng thái “bình thường mới”

Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Du lịch Hoa Hồng (Hội An) Phạm Vũ Dũng chia sẻ hoạt động du lịch trên thế giới đều phải tạm dừng vì dịch bệnh, du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài sự chi phối đó.

Kinh tế du lịch đem lại nguồn thu nhập xã hội lớn, do vậy có tác động đến nhiều đối tượng, trong đó chủ yếu là cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng lao động. Tuy nhiên, đây chính là “phép thử khắc nghiệt” để cộng đồng doanh nghiệp du lịch thể hiện sức sống của mình.

Nói cách khác, du lịch cũng như các ngành kinh tế khác phải “sống chung và thích ứng với mọi hoàn cảnh."

Hội An là đầu tàu du lịch của tỉnh Quảng Nam, cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở thành phố này đã và đang từng bước ứng phó với điều kiện thực tế để khắc phục khó khăn, xây dựng những sản phẩm thật sự có chất lượng, thu hút du khách trở lại.

Để làm được điều này, doanh nghiệp và những người làm du lịch cần sự hỗ trợ của Nhà nước cả về cơ chế chính sách lẫn tài chính để vượt qua khó khăn trước mắt và thích ứng với trạng thái “bình thường mới” khi đại dịch COVID-19 đi qua.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh nhấn mạnh dịch bệnh kéo dài, ngành du lịch là một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì khó khăn này mà đánh mất thương hiệu du lịch Quảng Nam nói chung và du lịch Hội An nói riêng được dày công xây dựng trong nhiều năm qua.

Ngay khi dịch COVID-19 lần thứ nhất trong năm nay được khống chế và đẩy lùi, tỉnh Quảng Nam đã đề ra chương trình hành động, thúc đẩy phát triển du lịch và bộ tiêu chí, gắn với lộ trình hoạt động của ngành du lịch ở một số địa bàn trọng điểm, trong đó tập trung phát triển chuỗi giá trị sản phẩm du lịch xanh-bền vững đang được kỳ vọng là hướng phát triển tiềm năng.

"Đây là hướng đi tích cực, là đòn bẩy có khả năng kích hoạt cả chuỗi cung ứng dịch vụ tái hoạt động, được Hiệp hội Du lịch Quảng Nam hướng đến," Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh tin tưởng.

Khả năng phục hồi và tăng trưởng

Là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế, trong năm 2019, tổng lượng khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đạt 430.000 lượt người, trong đó có hơn 380.000 lượt khách quốc tế.

Hiện tại, khu du lịch này đã mở cửa phục vụ khách nhưng lượng khách đến vẫn còn khá khiêm nhường.

Giám đốc Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ chia sẻ du lịch Mỹ Sơn sẽ khó phục hồi khi chưa có vắcxin điều trị dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, khách du lịch nói chung và khách quốc tế đến Việt Nam nói riêng sẽ lấy lại đà tăng trưởng vì lúc đó vắcxin tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 chắc chắn đã phổ biến.

Lượng khách du lịch đến thời điểm giữa năm 2021 có thể chưa bằng trước khi dịch COVID-19 xuất hiện vì chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về kinh tế là quan trọng nhất. Tuy vậy, nó sẽ đặt nền móng để ngành du lịch lấy lại vị thế của mình, tất nhiên là phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Quảng Nam đã chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt để phục hồi, phát triển du lịch sau dịch COVID-19 với phương châm “An toàn và mến khách."

Vẻ đẹp trầm mặc của những ngôi tháp Chăm cổ kính ở Quần thể di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Hướng đến sự kỳ vọng này, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp du lịch tái hoạt động.

Trước mắt, tỉnh đã cho phép các cơ sở du lịch hạ giá vé tham quan cũng như mở cửa thêm các điểm đến. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã và đang thực hiện tốt các chương trình khuyến mãi về các gói dịch vụ để thu hút du khách.

Hội An - nhân tình thuần hậu, Đền tháp Mỹ Sơn kỳ bí nghìn năm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm gắn liền với sản phẩm du lịch biển đảo cùng hàng trăm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng và nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam là tiềm năng du lịch đã và đang được ngành du lịch Quảng Nam khai thác hiệu quả.

Do vậy, về lâu dài, chất lượng sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, kích cầu du lịch gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ được ngành du lịch Quảng Nam ưu tiên thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt nhằm khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn này một cách sớm nhất, để thương hiệu Quảng Nam - điểm đến an toàn, mến khách lấy lại đà khôi phục và tăng trưởng của mình. Đây cũng chính là kịch bản du lịch thời hậu COVID-19 đang được Quảng Nam hướng đến./.

Theo Đoàn Hữu Trung (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/kich-ban-nao-cho-du-lich-quang-nam-trong-thoi-hau-covid19/663651.vnp

Tệp đính kèm