COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu với tốc độ lây lan nhanh chóng, để lại nhiều gánh nặng cho nền kinh tế và xã hội. Tại nước ta, dịch COVID-19 quay trở lại, tuy vậy, chúng ta đã phát hiện sớm, bao vây và khống chế có hiệu quả. Tuy vậy, mọi người không được chủ quan, nhất là với người tuổi cao, mắc nhiều loại bệnh nền, đặc biệt là bệnh về phổi như bệnh hen suyễn...
Sự nguy hiểm của COVID-19 với người bệnh hen suyễn
Tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong cao do COVID-19 thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như suy thận, tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, bệnh gan, tai biến mạch máu não... đặc biệt nhất là các bệnh lý hô hấp, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn. Vậy COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân hen suyễn? Khi SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, virus nguy hiểm này sẽ tàn phá hệ hô hấp của người nhiễm bệnh, tác động trực tiếp đến họng, mũi và nguy hiểm nhất là tổ chức phổi. Đặc biệt, đối với những người bị hen suyễn, SARS-CoV-2 có thể dẫn đến cơn hen và các vấn đề về phổi nghiêm trọng khác. Theo một số nghiên cứu cho thấy bệnh hen suyễn không làm tăng khả năng nhiễm SARS-CoV-2, tuy nhiên, nếu người mắc hen suyễn bị nhiễm SARS-CoV-2, họ có thể gặp phải các biến chứng nặng hơn những người không bị hen suyễn rất nhiều.
Hình ảnh phế quản người bị hen suyễn.
SARS-CoV-2 tấn công hệ hô hấp như thế nào?
Phổi là nơi SARS-CoV-2 tác động đầu tiên (do tiếp xúc gần với các giọt bắn từ người nhiễm bệnh) và cũng là bộ phận bị tàn phá mạnh nhất. Các triệu chứng COVID-19 lúc đầu là sốt, ho, hắt hơi, sau đó có thể tiến triển thành viêm phổi cấp tính dẫn đến suy hô hấp, nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan sát thấy căn bệnh này thường tấn công phổi theo 3 giai đoạn: sự nhân lên của virus, sự gia tăng phản ứng miễn dịch và cuối cùng là tổn thương phổi. Theo các tổng kết, COVID-19 gây ra các triệu chứng nhẹ trong khoảng 82% trường hợp, số còn lại là từ nặng đến nguy kịch. Nếu bệnh nhân hen suyễn bị nhiễm SARS-CoV-2 thì bệnh càng dễ trở nên nghiêm trọng, nguy kịch hơn do suy hô hấp bởi tổn thương phổi vì SARS-CoV-2 và do co thắt phế quản, tăng bài tiết bởi bệnh hen.
Người bị hen nên làm gì để phòng tránh lây nhiễm bởi SARS-CoV-2?
Do tính chất phức tạp, nguy hiểm của bệnh SARS-CoV-2, người bị hen nên ở nhà càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ giúp người bệnh hen tránh được các nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây virus ở bên ngoài, nhất là tiếp xúc với giọt bắn từ người mang SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh hen nên có đầy đủ thuốc chữa hen do bác sĩ khám bệnh chỉ định và nên chuẩn bị đầy đủ các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để hạn chế ra khỏi nhà.
Ngoài ra, bệnh nhân hen cần tránh xa các tác nhân gây hen suyễn, như khói thuốc lá, tác nhân gây dị ứng, ô nhiễm không khí... và không sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ làm xuất hiện hen suyễn (tôm...).
Nếu cần thiết phải ra khỏi nhà nên đeo khẩu trang đúng quy cách (khẩu trang che kín mũi và miệng), thực hiện giãn cách xã hội bằng cách giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp với người khác và tốt nhất không nên đến chỗ đông người. Mỗi khi ho, hắt hơi nên che miệng bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay áo... Trong mỗi gia đình nên có một chai dung dịch sát khuẩn để mỗi khi trở về nhà là sát khuẩn tay ngay trước khi cởi khẩu trang và thay quần áo. Bởi vì SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định trên các bề mặt (sàn nhà, dụng cụ sinh hoạt, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa...), do đó, việc khử trùng nhà cửa và đồ dùng mà mọi người hay chạm vào là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, người bị hen suyễn nên lưu ý tránh các chất khử trùng có thể kích hoạt bệnh hen. Bên cạnh đó cần vệ sinh cá nhân (rửa tay nhiều lần bằng xà phòng và nước sạch) và nhà ở luôn được sạch sẽ là biện pháp phòng bệnh hàng đầu. Mỗi khi trời nắng nên đưa chăn, màn, vải giải giường, gối, đệm ra phơi nắng để diệt các loại côn trùng là một trong các tác nhân gây hen suyễn.
Theo suckhoedoisong.vn