TP. Đà Nẵng đang lên phương án khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn bằng việc tung ra sản phẩm mới cùng dịch vụ phục vụ khách du lịch một cách thận trọng vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa khai thác kinh doanh.
Trước mắt, Đà Nẵng sẽ truyền thông về hình ảnh, đời sống hằng ngày của người dân để khách du lịch yên tâm. Ảnh: Lưu Hương
Là địa phương coi ngành du lịch, dịch vụ là 1 trong 3 trụ cột để phát triển kinh tế, nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7, du lịch của Đà Nẵng bị “đóng băng”.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 28/7, toàn bộ các doanh nghiệp du lịch đã tạm dừng hoạt động, chỉ còn một số khách sạn hoạt động phục vụ y bác sĩ, người nước ngoài trong công tác phòng chống dịch. Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc tạm dừng hoạt động. Dịch bệnh đã khiến ngành “công nghiệp không khói” của Đà Nẵng thiệt hại nặng nề.
Theo con số ước tính, trong năm 2020, thiệt hại của cả ngành du lịch Đà Nẵng có thể lên đến 26.000 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực lữ hành, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp vận tải và các khu, điểm du lịch.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho hay hiện nay tại Đà Nẵng, các dịch vụ du lịch đã được khôi phục (trừ các khu vui chơi giải trí), nhưng việc thu hút khách trở lại Đà Nẵng gặp khó khăn chính là tâm lý lo ngại dịch bệnh của nhiều người. Đây cũng là lý do mà các cơ sở lưu trú (nhất là hệ thống khách sạn) phải cân nhắc trước khi quyết định mở cửa trở lại.
Trong tình hình đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch, xây dựng bộ tiêu chí và quy trình hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa khai thác kinh doanh.
Cùng với việc phối hợp với các đơn vị xây dựng chương trình giới thiệu sản phẩm mới, những dịch vụ mang lại trải nghiệm cho khách trong thời gian tới, Sở Du lịch Đà Nẵng còn làm việc với doanh nghiệp, đồng thời tham khảo các mô hình phục hồi du lịch của các nước (như mô hình bong bóng du lịch, mô hình liên kết với các địa phương ít có nguy cơ dịch bệnh...).
Trước mắt, Sở Du lịch sẽ lên kế hoạch truyền thông về hình ảnh, đời sống người dân Thành phố để du khách thấy rõ các hoạt động thường ngày của Đà Nẵng đang trở lại ổn định.
Về lâu dài, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ triển khai chương trình kích cầu (vào năm 2021) để khôi phục hoạt động kinh doanh cùng với việc tái thiết lập thị trường khách du lịch và tập trung thu hút khách nội địa.
Còn theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, với kịch bản lạc quan nhất thì trong tháng 9/2020, ngành du lịch sẽ khởi động một số chương trình cho người Đà Nẵng và các địa phương lân cận; từ tháng 10/2020 sẽ đón khách từ các địa phương khác trong cả nước và từ tháng 12/2020 sẽ bắt đầu đón được khách nước ngoài.
Đánh giá chung về “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn trong tình hình mới, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng đợt dịch vừa qua là rủi ro nhưng Đà Nẵng vẫn nỗ lực để hỗ trợ du khách với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây cũng là cơ hội để quảng bá Đà Nẵng là điểm đến thân thiện với du khách. Do đó, từ nay đến cuối năm, nếu biết khai thác, quảng bá thì ngành du lịch Thành phố vẫn sẽ thu hút được một lượng khách đủ lớn để các doanh nghiệp du lịch dần hồi sinh.
Theo Lưu Hương/baochinhphu.vn