Cập nhật: 26/09/2020 08:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 25-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: Trần Hải.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư tổ chức quốc tế; hơn 5.000 y, bác sĩ tại các điểm cầu trên cả nước và một điểm cầu tại Lào, một điểm cầu tại Cam-pu-chia.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong ngành Y tế với mục tiêu “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22-6-2020 phê duyệt Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với quan điểm chủ đạo “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.

Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Đề án hướng tới mục tiêu mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến các cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đồng thời trong tương lai sẽ tiến hành kết nối các bệnh viện tuyến trên với các nước có nền y khoa tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết, giảm tập trung đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh, hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên; tạo được lòng tin của người dân với chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới.

Với những lợi ích, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh từ xa mang lại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Viettel để xây dựng và triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Sau hai tháng nỗ lực triển khai kết nối các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sỹ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển tuyến trên; những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với bệnh viện trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế…

Để thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả, chất lượng, thống nhất, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chuyên môn, Bộ Y tế đã xây dựng các hướng dẫn chuyên môn: Hướng dẫn Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Danh mục kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; sách vàng 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa; làm cẩm nang để các cơ sở y tế triển khai Đề án. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế tài chính, hoàn thiện và cập nhật danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn, cập nhật các nền tảng, ứng dụng… nhằm thực hiện thành công Đề án.

“Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, các thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ y tế sẽ thực hiện và lan tỏa thông điệp “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, phát huy trí tuệ, tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn để triển khai hiệu quả chương trình  khám, chữa bệnh từ xa để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở để phục vụ người dân ngày một tốt hơn”, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi lễ.

Với vai trò là doanh nghiệp công nghệ đồng hành cùng Bộ Y tế xây dựng và phát triển Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, Tập đoàn Viettel thành lập “Trung tâm điều hành Telehealth”, thực hiện chiến dịch “60 ngày đêm thần tốc, tất cả vì ngành y, tất cả để chiến thắng, quyết tâm hoàn thành 1.000 điểm Telehealth toàn quốc”; và đã hoàn thành kết nối 1.000 điểm chỉ trong vòng 45 ngày, về đích trước 15 ngày so với mục tiêu chiến dịch. 

Lễ Khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa là sự kiện quan trọng và có nghĩa lớn đối với triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa, ghi nhận sự tham gia tích cực của ngành y tế trong tiến trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đặc biệt, Đề án có sự kết nối với một số bệnh viện tại Lào và Cam-pu-chia, cho thấy trách nhiệm của Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Đây là bước đi quan trọng để quảng bá hình ảnh về nền y tế phát triển và có trách nhiệm của Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam và quốc tế.

Tin: THANH GIANG-Ảnh: TRẦN HẢI

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm