Cập nhật: 26/09/2020 08:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hơn nửa thế kỷ trước, có một loại đồ chơi Trung thu rất thân thuộc với trẻ em Hà Nội, đó là con giống bột. Dù là đồ chơi dành cho con trẻ, nhưng con giống bột mang đặc trưng văn hóa Hà thành, đẹp ở sự tỉ mỉ, cầu kỳ, tinh tế trong từng đường nét. Nghề làm con giống bột theo kiểu ngày đó gần như đã thất truyền. Nhưng một nhà nghiên cứu già, cùng một nghệ nhân trẻ đã lần hồi tìm lại vẻ đẹp con giống bột thuở xưa…

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu giới thiệu vẻ đẹp độc đáo của những con giống bột Hà Thành.

Giữa một đống bột, mầu đủ loại, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách đang cùng nhau nặn con giống bột. Hôm nay, hai thầy trò khôi phục “bộ” ngũ hổ. Bộ con giống bột ngũ hổ tương tự như tranh Ngũ hổ của dòng tranh Hàng Trống. Con hổ mầu vàng tượng trưng cho hành thổ ở trung tâm, bốn mầu xanh lá, đỏ, xanh nước biển, trắng tượng trưng cho bốn hướng chung quanh. Con hổ không phải là con giống đòi hỏi độ tinh tế cao, nếu so với con nghê, cá vàng…, nhưng để lên được “chất” không phải chuyện dễ. Hậu đang nặn thử. Đôi bàn tay nghệ nhân thoăn thoắt với bộ đồ nặn. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách đứng kế bên. Khuôn mặt ông rạng rỡ dần khi hình hài con hổ hiện lên. Ông nói với Hậu: “Cái miệng con hổ phải há ra, nhưng phải làm sao như đang cười con ạ. Như thế, mới là đồ chơi con trẻ. Là hình tượng con hổ mà không thấy dữ dằn”. Đơn giản, nhưng vẫn rất khó. Từ góc nghiêng, cho tới độ mở của khóe miệng, chỉ thay đổi một chút thôi là nét mặt con hổ chuyển ngay sang một trạng thái “tâm lý” khác. Sau một hồi loay hoay, hai thầy trò bắt đầu bày ngũ hổ ra đĩa, để “thưởng thức” thành quả. “Đã ra được hồn con giống bột Hà Nội rồi”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách tỏ vẻ hài lòng.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách vốn nổi tiếng với các công trình nghiên cứu phục dựng hiện vật, trang phục cung đình, với các bộ áo mão của  vua chúa, và các vị trong hoàng thất xưa trong suốt những năm qua. Thật bất ngờ, bây giờ ông lại dành tâm huyết cho việc khôi phục… đồ chơi cho con trẻ. Câu chuyện lùi về hơn sáu mươi năm trước, khi đó, Trịnh Bách còn là một cậu bé. Cậu được song thân mua cho nhiều con giống bột làm đồ chơi, nhất là vào dịp Trung thu. Cậu “hâm mộ” con giống bột từ thuở ấy. Có khiếu hội họa, nên cậu tự phác họa những mẫu con giống bột thành “bộ sưu tập” cho mình. Mấy mươi năm định cư ở nước ngoài, cậu bé ngày ấy trở về nước khi đầu đã bạc. Ông đi dạo trên những con phố Đồng Xuân, Hàng Mã vào dịp Trung thu năm 1994, tìm lại những ký ức xưa cũ. Cảm giác bồi hồi, xốn xang khi nhìn lại những con giống bột ngày xưa. Nhưng cảm giác ấy biến mất rất mau, chuyển thành nỗi băn khoăn khó tả. Chỉ một, hai hàng bán giống bột cổ Hà thành. Mà con giống cũng đơn điệu, thô kệch hơn xưa. Vài năm sau nữa, ngay cả những hình ảnh hiếm hoi ấy cũng nguy cơ mất hẳn...

Năm 1998, khi đi dạo ở khu vực Nhà thờ Lớn Hà Nội, nhà nghiên cứu Trịnh Bách gặp hai ông cháu đang nặn con giống bột. Ông lại gần trò chuyện. Ông cụ nặn con giống là Đặng Văn Hạ. Còn cậu bé lẽo đẽo đi theo, là cháu ngoại ông. Cụ Đặng Văn Hạ là một trong những người giỏi nặn con giống bột nhất ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, nơi mà người dân thường gọi là “bánh chim cò”. “Bánh chim cò” của Xuân La cũng bé xinh như con giống bột xưa trong ký ức nhà nghiên cứu Trịnh Bách. Cái khác của người làng Xuân La là chỉ nặn bằng tay, sử dụng rất ít dụng cụ. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách hỏi về nặn con giống bột theo kiểu Hà Nội xưa. Tiếc là cụ Hạ cũng không biết cách làm. Nhưng ông rất chú ý đến cậu bé đứng bên cụ Hạ ngày ấy. Còn ít tuổi, nhưng cậu bé có khiếu thẩm mỹ, có biệt tài nặn con giống. Đó chính là nghệ nhân Đặng Văn Hậu bây giờ. Cuộc gặp gỡ ở bên Nhà thờ Lớn Hà Nội năm ấy trở thành duyên kỳ ngộ. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách tìm được người để hiện thực hóa ước mơ khôi phục những món đồ chơi xưa. Còn với Hậu, cậu được mở ra một “thế giới mới” - thế giới con giống bột cổ truyền của người Hà Nội.

Có biệt tài từ nhỏ, nhưng khi đụng đến con giống bột Hà thành, có rất nhiều lần Hậu thất bại. Thí dụ như con cá vàng, mẫu cổ tỉa từng chiếc vây, chiếc râu cá nhỏ li ti, rất tinh tế. Mãi mấy năm gần đây, Hậu mới gặp được bà Phạm Thị Nguyệt Ánh, truyền nhân cuối cùng của nghề nặn con giống bột ở Đồng Xuân. Hóa ra, để tạo được những chi tiết nhỏ, tinh tế như thế, bà Ánh phải có hẳn một bộ dụng cụ riêng. Rất may, bà Ánh đã dạy lại cho Hậu nhiều kỹ thuật nặn, nhất là cách sử dụng bộ dụng cụ tạo hình con giống.

Kiến thức của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, sự hỗ trợ của bà Phạm Thị Nguyệt Ánh và tay nghề, niềm đam mê của nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã khiến những con giống bột của Hà Nội xưa được hồi sinh…

Ngoài ký ức và những tư liệu sách vở, nhà nghiên cứu Trịnh Bách còn tìm được nhiều mẫu con giống bột ở các bảo tàng nước ngoài, nhất là tại Pháp. “Có lẽ, cũng phải mất hàng chục năm nữa mới có thể khôi phục lại tất cả các con giống bột cổ truyền của người Hà Nội. Bảo tàng bên Pháp còn lưu lại nhiều mẫu lắm. Khó mà tính cụ thể được số lượng”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.

Con giống bột của Hà Nội xưa có hai dòng sản phẩm chính, một là dòng của Đồng Xuân, hai là của Phố Khách - tức phong cách nặn bột do người Trung Quốc mang sang. Nếu dòng của Đồng Xuân thường nặn những con vật thân thuộc, thì Phố Khách cầu kỳ hơn, các kỹ thuật tỉ mỉ hơn. Sang đến đầu thế kỷ 20, con giống bột Đồng Xuân cũng chịu ảnh hưởng của phong cách nặn bột Phố Khách. Nếu gọi đó là “con giống phố”, thì sản phẩm của Xuân La là “con giống làng”. Theo tài liệu của Henri Oger, người Xuân La thường làm con giống nằm trên một “bệ” nhỏ bằng tre. Gọi là “con bệt”. Mãi sau này người ta mới nghĩ ra cách làm con giống trên que, dễ nặn, dễ chơi hơn, gọi là “con que”. “Con giống làng” ở Xuân La có các đường nét thô mộc, ngây ngô hơn so với con giống Đồng Xuân và Phố Khách. “Bánh chim cò” Xuân La sau quãng thời gian bị quên lãng đã hồi sinh mạnh mẽ. Nhưng theo Đặng Văn Hậu và nhiều nghệ nhân ở làng, chỉ tiếc, cái tên dân dã “bánh chim cò” lại mất đi. Quãng hai chục năm trước, một số báo chí gọi nhầm là “tò he”. Lâu ngày, cái sai ấy thành… phổ biến.

Đặng Văn Hậu bây giờ đã là một trong những nghệ nhân trẻ tài năng nhất ở làng “bánh chim cò” Xuân La. Hậu cũng là người duy nhất thừa kế được kỹ thuật nặn con giống bột Hà thành, cho dù là mẫu của Đồng Xuân hay Phố Khách. 35 tuổi, Hậu đã có hơn hai mươi năm gắn bó với con giống bột. Đặng Văn Hậu chia sẻ: “Lối nặn bột của Xuân La cũng ít nhiều thay đổi theo thời gian, thí dụ như đôi mắt các con vật ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hội họa man-ga của Nhật. Các mẫu con giống Hà Nội cổ nặn rất khó, nếu đã quen với phong cách của Xuân La. Tôi phải mất khá nhiều thời gian mới làm quen được với phong cách con giống bột Hà thành. Trong các “con giống phố”, khó nhất là bộ tứ linh gồm: Long, lân, quy, phượng. Mỗi hình tượng đều có những chi tiết nhỏ, cầu kỳ. Để nặn được một bộ đó, tôi phải mất trọn một ngày. Thời gian đầu khôi phục con phượng, thử đủ cách, chú Trịnh Bách vẫn không ưng cái đuôi. Mãi sau mới nghĩ ra lấy lông con gà tre nhuộm mầu, bấy giờ mới thấy đuôi với thân ăn nhập”.

Đặng Văn Hậu đang tất bật cho “mùa Trung thu” năm nay. Mùa Trung thu, cũng là khoảng thời gian Hậu bận tối ngày vì nhiều trường học, cơ quan mời Hậu đến giao lưu, giới thiệu về nghệ thuật con giống bột truyền thống. Nhìn vào sản phẩm của Hậu, không ai không “ồ, à” vì ngạc nhiên. Ngoài những mẫu cổ truyền như bộ tứ linh, lục súc, cá vàng, thiềm thừ ngậm nguyệt…, trên nền phong cách của con giống bột Hà thành, Hậu còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm hết sức độc đáo. Đó là bộ tứ bình phỏng theo tranh dân gian Hàng Trống, đó cũng có thể là một “ban nhạc” cổ truyền, hay đám trẻ rước đèn Trung thu, múa lân… Độc đáo hơn cả, Hậu tái hiện nguyên cả một Tết Trung thu trong khung cảnh làng quê với mâm cỗ trông trăng bày giữa sân, nếp nhà ngói rêu phong và lũy tre, cây cau… Chàng trai này không chỉ kế thừa, mà còn có nhiều sáng tạo với con giống bột. Không “chạy đua” với thời cuộc như một số người bằng cách nặn các nhân vật hoạt hình nước ngoài được trẻ em khá ưa chuộng, Hậu kế thừa mạch chảy của văn hóa dân gian. Thêm nữa, thay vì loại bột chỉ để vài ngày là hỏng như trước kia, nghệ nhân trẻ này còn nghiên cứu, trộn thêm hợp chất để sản phẩm an toàn mà có thể để hằng năm trời không hỏng. “Thích nhất là khi tôi bán hàng ở phố cổ Hà Nội. Rất nhiều bác trung niên đứng ngắm các con giống bột rất lâu rồi mua về cho con cháu. Chứng kiến cảnh ấy, bản thân tôi cũng thấy xúc động. Các bác bảo, đấy chính là tuổi thơ của các bác”, Hậu chia sẻ.

Trung thu năm nay là mùa thứ ba con giống bột Hà thành về phố. Một thứ đồ chơi nhỏ bé, nhưng gói cả những nét tinh tế của người Hà Nội. Hành trình khôi phục con giống bột thêm một lần minh chứng cho chân lý: Bao giờ cũng thế, những nét đẹp văn hóa, dù có lúc này lúc khác sẽ vẫn mãi mãi vững bền.

Theo DÃ LIÊN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm