Dinh dưỡng có vai trò cung cấp các nguyên liệu cho cơ thể con người và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, đã có không ít lựa chọn sai lầm trong dinh dưỡng dẫn đến hậu quả ngược lại với mong muốn.
Những quan niệm sai lầm
Không ăn sáng: Với lối sống hiện đại, vội vã, nhiều người không dành thời gian cho bữa ăn sáng mà chỉ ăn uống qua quýt. Đây là một sai lầm lớn, bởi ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bữa ăn sáng cần phải đủ dinh dưỡng, bao gồm carbohydrate và protein. Nếu không có đủ thời gian cho bữa ăn sáng, có thể ăn nhanh bằng bánh mì, trứng, cà chua, xà lách… Với một bữa ăn sáng đầy đủ sẽ bổ sung năng lượng và tăng cường khả năng miễn dịch và sức đề kháng của bạn.
Không uống đủ nước: Khi mải làm, bạn sẽ quên cảm giác khát nước, vì thế cơ thể sẽ bị thiếu nước. Nước hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng. Khi thiếu nước khiến cơ thể mệt mỏi và làm giảm khả năng miễn dịch. Nước còn giúp thận hoạt động đúng cách để loại bỏ chất thải có hại ra khỏi cơ thể. Ngoài ra nước cũng thúc đẩy hoạt động của ruột, tránh táo bón.
Mỗi ngày cần đảm bảo uống từ 8-10 ly nước, nhưng không nên uống quá nhiều nước, đặc biệt là uống cùng một lúc. Nên uống nước đều đặn trong một ngày.
Không nấu thức ăn đúng cách: Khi nấu ăn, nếu thực hiện không đúng cách có thể tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh xâm nhập cơ thể và gây bệnh, như: Nấm mốc nếu thực phẩm để quá lâu; vi khuẩn, virus nếu thực phẩm không được rửa sạch, nấu chín; tẩm ướp quá nhiều gia vị hoặc nấu quá lửa làm cháy dẫn đến thay đổi bản chất của thức ăn; ăn thức ăn đã để quá 4 giờ sau khi chế biến mà không đun lại… Tất cả những sai lầm này đều có thể gây ảnh hưởng đến hệ miễn dich. Do đó thực phẩm cần được nấu đúng cách để loại trừ mầm bệnh.
Một bữa sáng đầy đủ dinh đưỡng sẽ cung cấp năng lượng và tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Và lưu ý...
Đối với người cao tuổi: Đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng… Lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng thức ăn cũng như bảo đảm dinh dưỡng. Nếu người cao tuổi ăn không đủ dinh dưỡng thì nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, tùy theo nhu cầu của mỗi người, có thể uống từ 1-2 cốc mỗi ngày.
Đối với trẻ em: Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp tăng cường miễn dịch tốt nhất với trẻ nhỏ. Sau đó trẻ vẫn cần bú sữa mẹ và được ăn dặm, bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp. Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ số lượng. Nếu trẻ biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
Dù lứa tuổi nào cũng cần da dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt các thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch: Protid (chất đạm), Omega 3 (acid béo không no thiết yếu); vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D, selen, sắt và kẽm… và bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Theo suckhoedoisong.vn