Cập nhật: 11/10/2020 08:54:00
Xem cỡ chữ

Những biến chứng nội khoa và ngoại khoa ở năm đầu trên nhóm bệnh nhân ghép thận rất ít xảy ra. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị biến chứng ung thư do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.

Tại Hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy mới đây nhiều nghiên cứu về nhóm bệnh nhân sau ghép thận đã được công bố. Đánh giá kết quả chức năng thận và biến chứng trong năm đầu sau ghép thận từ người hiến thận sống của PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng cộng sự cho thấy, tỷ lệ biến chứng xảy ra trong năm đầu không nhiều.

Sau ghép thận, một số bệnh nhân bị biến chứng ung thư - 1

Người bị suy thận mạn chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện trên 208 trường hợp ghép thận chỉ ghi nhận 4 trường hợp bị biến chứng ngoại khoa trong 3 tháng đầu gồm hẹp niệu quản (2 ca) và rò mạch bạch huyết (2 ca). Thống kê nhóm bệnh nhân nghiên cứu ghi nhận, 16 trường hợp bị biến chứng nội khoa chống thải ghép chủ yếu xảy ra trong 3 tháng đầu ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ là người hiến lớn tuổi.

Bên cạnh đó, biến chứng nhiễm khuẩn cũng thường gặp, trong đó nhiễm khuẩn đường tiết niệu là nhiễm khuẩn thường gặp (12 ca), tiếp đến là đái tháo đường phát hiện sau ghép (10 ca), ngộ độc CNI là 2 trường hợp. Sau 1 năm ghép, không có trường hợp nào bị trì hoãn chức năng thận, tỷ lệ sống của bệnh nhân là 99,5%.

Sau ghép thận, một số bệnh nhân bị biến chứng ung thư - 2

Ghép thận là phương pháp hiệu quả giúp bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối vượt qua nguy kịch

Ở đề tài nghiên cứu về “Tình hình ung thư sau ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy”, BS Hoàng Khắc Chuẩn cùng cộng sự bước đầu ghi nhận những trường hợp bị biến chứng ung thư sau ghép thận. Cụ thể, phương pháp nghiên cứu mô tả được tiến hành trên loạt ca bệnh đã ghép thận từ tháng 12/1992 đến tháng 6/2019 đã ghi nhận 29/1000 trường hợp (chiếm 2,9%) bị ung thư sau ghép.

Tỷ lệ ung thư sau ghép thận ở cả nam lẫn nữ gần tương đương nhau, độ tuổi trung bình là 52 tuổi. Thời điểm bệnh nhân phát hiện mắc ung thư chủ yếu trong khoảng từ 5 đến 10 năm sau ghép thận. Trong đó, ung thư phổi; bướu niệu mạc; ung thư da chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 45%).

Có nhiều nhóm thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng cho người bệnh sau ghép thận. Trong đó, thuốc (Azathioprine) được nhận định là yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư. Sau khi được phát hiện bệnh, phương pháp điều trị ung thư cho bệnh nhân được bác sĩ thực hiện trên cơ sở thay đổi công thức thuốc ức chế miễn dịch kết hợp với hóa trị và xạ trị.

Sau ghép thận, một số bệnh nhân bị biến chứng ung thư - 3

Nhóm bệnh nhân bị biến chứng ung thư được nhận định là do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch

Từ thực tế trên, các bác sĩ cảnh báo việc điều trị bệnh nhân sau ghép thận không chỉ nhằm mục đích chống thải ghép, chống nhiễm trùng, bảo tồn chức năng của cầu thận mà còn phải theo dõi và điều trị các biến chứng, tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch sau ghép, trong đó ung thư được xem là biến chứng thường gặp.

Tỷ lệ ung thư ở người bệnh sau ghép thận thay đổi tùy thuộc vào loại thuốc ức chế miễn dịch đang sử dụng cho người bệnh và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Do đó, thực tế điều trị sau ghép cho người bệnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ theo dõi sau ghép, phẫu thuật viên và các bác sĩ chuyên ngành ung thư.

Theo Vân Sơn/dantri.com.vn