Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho các sản phẩm thủy sản vào EU, dự báo tổng giá trị cá ngừ xuất sang thị trường này trong năm 2020 đạt 123 triệu USD.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng sản lượng sản phẩm cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu vẫn tăng trưởng đều, nhờ hiệu lực của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định này đã mở ra cho doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần khắc phục một số điểm yếu.
Hiệp định EVFTA thực thi từ đầu tháng 8 năm nay với 220 mặt hàng thủy sản được hưởng ưu đãi về thuế suất từ 0%-22%. Riêng cá ngừ đông lạnh dạng fillet và loin từ thuế suất 18% sẽ được giảm về 0% trong 3 năm. Phía EU cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp/năm, mở ra cơ hội cho các sản phẩm của doanh nghiệp Việt vào thị trường châu Âu, dự báo tổng giá trị cá ngừ xuất sang thị trường EU trong năm 2020 đạt 123 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Dư, đại diện Công ty TNHH Hải Vương, trụ sở tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 2 tháng qua, doanh số từ các sản phẩm cá ngừ sang EU đạt hơn 16 triệu USD, tăng gấp 1,5 lần so với các tháng trước đó.
“Khó khăn để sản phẩm cá ngừ được hưởng chính sách ưu đãi của EU đó là nguyên liệu phải xuất xứ nội khối và được cung cấp trong nước. Hiện tại các DN chế biến đang gặp khó khăn về quy định này khi sản lượng nguyên liệu nhập khẩu chiếm khá lớn, đến 80%. Việc tìm nguyên liệu để đáp ứng đầy đủ cho thị trường châu Âu cũng rất khó khăn, nên phải làm sao thu mua được hết cá ngừ từ ngư dân trong nước để có thể kiểm soát thật chặt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của EU. Điều này không phải sẽ thực hiện được sớm trong ngày một ngày hai”, ông Du chia sẻ.
Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam và chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị xuất khẩu. EVFTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Ông Saornil Minguez Ruben, Phó Văn phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam cho biết, phía EU yêu cầu khắt khe đối với việc khai thác thủy sản phải có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; Đặc biệt, thủy sản xuất khẩu không được đánh bắt bất hợp pháp.
“Ô nhiễm vi sinh sẽ xâm nhập vào sản phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ví dụ trong cá ngừ có sẵn histamine nếu không quản lý được thời gian, nhiệt độ thích hợp nó sẽ gia tăng hàm lượng histamine có thể gây ngộ độc”, ông Saornil Minguez Ruben cảnh báo.
Sẵn sàng cho thực thi EVFTA, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đang xây dựng 2 chuỗi giá trị cho cá ngừ vàng và sọc dưa để giải quyết 3 mắt xích quan trọng: Ngư dân, nhà máy chế biến và khách hàng.
Đối với ngư dân, Hiệp hội sẽ hỗ trợ, đào tạo việc ghi nhật ký khai thác nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn, minh bạch, bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện đã có 37 nhà máy và 11 đầu mối cung ứng nguyên liệu thủy sản tham gia chuỗi liên kết, qua đó xây dựng mã truy xuất nguồn gốc thủy sản được quốc tế công nhận. Trước mắt, Hiệp hội đang triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc điện tử ở Bình Thuận để giúp minh bạch hóa các sản phẩm cá ngừ.
“Hiệp hội tiến hành truy xuất nguồn gốc điện tử thông qua các thiết bị trên tàu. Khi cá đánh bắt được đưa vào bờ và qua cảng, DN thu mua sẽ nắm được nguồn gốc. Điều này cũng cần có lộ trình, bởi hiện nay phần lớn việc truy xuất nguồn gốc đều thực hiện bằng giấy khiến độ tin cậy không cao, không tạo được độ tin cậy cao đối với người mua hàng”, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cho biết.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho ngư dân khai thác thủy sản bền vững, thực hiện tốt các cam kết về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Các Hiệp hội, doanh nghiệp thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ để cập nhật các ưu đãi về thuế quan của EVFTA, sản xuất các sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường châu Âu.
Theo ông Phùng Đức Tiến, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trách nhiệm xã hội và môi trường để nâng cao chất lượng thủy sản cũng như cá ngừ xuất khẩu.
“Các DN cần tập trung vào nghiên cứu công nghệ bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch. Ngư dân phải tập trung khai thác có nhật ký, có kinh độ, vĩ độ, có xuất xứ nguồn gốc để đảm bảo thuận lợi cho việc truy xuất. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên các tàu cá cũng như các nhà máy cần thực hiện đúng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của châu Âu, từ đó nâng cao được chất lượng, tỷ suất, quy mô hàng hóa và tăng được hàm lượng giá trị gia tăng trong từng sản phẩm thủy sản xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ./.
Theo Thái Bình/VOV-Miền Trung