Cập nhật: 23/10/2020 08:25:00
Xem cỡ chữ

Rối loạn tiêu hóa (RLTH) là chứng bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và gây nên những phiền toái cho người bệnh. Với người cao tuổi, RLTH càng dễ xảy ra và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

RLTH là một hội chứng được tạo ra bởi sự co thắt bất bình thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa gây đau bụng và thay đổi về quá trình tiêu hóa, vấn đề đại tiện. Đây không phải là một chứng bệnh dẫn đến tử vong mà thường gây khó chịu cho người bệnh. Với người cao tuổi, RLTH khiến sức khỏe người bệnh giảm sút nhanh, sức đề kháng giảm và là cơ hội để mắc thêm các chứng bệnh khác

Vì sao người cao tuổi dễ bị RLTH?

Ở người cao tuổi, cùng với những cơ quan khác, hệ tiêu hóa dần bị suy thoái dẫn đến RLTH. Nguyên nhân của tình trạng này là: người cao tuổi thường răng rất yếu, thức ăn không được nhai kỹ, nhu động thực quản yếu gây khó khăn khi ăn các thức ăn khô cứng nên dễ bị nghẹn. Nhu động của ruột và dạ dày yếu làm việc nhào trộn tiêu hóa thức ăn xảy ra chậm và khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân khiến những người cao tuổi mắc RLTH không cảm thấy đói và chán ăn.

Rối loạn tiêu hóa là chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Rối loạn tiêu hóa là chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Theo thời gian, cả số lượng và chất lượng của nước bọt, dịch mật hay dịch ruột,... đều giảm, đây là một trong những nguyên nhân gây RLTH ở người cao tuổi.

Không chỉ vậy, các lớp niêm mạc trong ống tiêu hóa suy yếu theo thời gian, các mạch máu nơi các cơ quan tiêu hóa của người cao tuổi thường bị xơ vữa khiến lượng máu đến các cơ quan này giảm đồng nghĩa với khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể giảm sút.

Các cơ quan như hệ nội tiết, hệ thần kinh, tuyến giáp có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng RLTH ở người cao tuổi. Nguyên nhân của vấn đề này là các cơ quan bị suy giảm chức năng kéo theo sự ảnh hưởng đến hấp thu và nhu động ruột.

Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc một số bệnh lý mạn tính như: tim mạch, xơ gan, bệnh phổi, bệnh đại tràng, dạ dày... cũng gây ra những phiền toái và đau đớn làm người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán ăn,... tình trạng tiêu hóa luôn không ổn định.

Những dạng RLTH ở người cao tuổi

RLTH ở người cao tuổi có nhiều dạng, điển hình là: Tình trạng mệt mỏi, chán ăn, đôi khi dẫn đến bỏ bữa. Không ít trường hợp người cao tuổi mắc chứng RLTH đến mức mất hẳn cảm giác thèm ăn và đói.

Tình trạng đầy bụng, đầy hơi, trướng bụng, phân lỏng hoặc không thành khuôn khi đi ngoài khi ăn những thức ăn nhiều đạm hay dầu mỡ. Chính điều này gây ra tâm lý ngại ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, sữa...

Biểu hiện RLTH ở người cao tuổi cũng có thể là táo bón thường xuyên, tình trạng này xảy ra do thói quen và chế độ ăn uống chưa hợp lý (ăn ít rau quả, ít uống nước,...).

Người cao tuổi nên ăn thành nhiều bữa nhỏ và đều đặn hằng ngày.

Người cao tuổi nên ăn thành nhiều bữa nhỏ và đều đặn hằng ngày.

Cách khắc phục

RLTH ở người cao tuổi thường sẽ không gây biến chứng nghiêm trọng nếu như chỉ xảy ra trong thời gian ngắn từ 2-3 ngày và được điều trị một cách dứt điểm. Tuy nhiên, nếu để tình trạng RLTH kéo dài quá lâu, người bệnh dễ gặp nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn đường hô hấp, các bệnh về tiết niệu,... Hơn nữa, tình trạng suy dinh dưỡng do RLTH cũng gây ảnh hưởng xấu đến những bệnh lý nền mà người cao tuổi đang mắc phải.

Để phòng tránh, người cao tuổi nên có một chế độ ăn uống hợp lý, nên ăn các loại dầu thực vật thay vì mỡ động vật, ăn một lượng vừa phải các loại thịt đỏ khó tiêu như thịt trâu bò, thịt cừu; tăng cường ăn các loại hoa quả và rau xanh, hạn chế tối đa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,...

Lưu ý khi chế biến thức ăn cho người cao tuổi: Đảm bảo nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, thức ăn cần được đun nấu đến độ chín cần thiết, không nên ăn các món tái, gỏi,... để tránh trướng bụng, đầy hơi gây rối loạn tiêu hóa.

Phân bổ thời gian ăn: nên chia thành nhiều bữa nhỏ và đều đặn hằng ngày, không nên ăn quá dồn dập cùng lúc, cũng không bỏ bữa khi không muốn ăn. Khi ăn nên hạn chế xem tivi hoặc mải mê nói chuyện, nên tập trung để tránh bị phân tâm dễ gây sặc hoặc nghẹn.

Người cao tuổi nên vận động nhẹ nhàng, năng tập thể dục hằng ngày để ngừa RLTH, giúp rèn luyện thể lực, tăng cường sức dẻo dai, hạn chế nhiều bệnh lý khác.

Khi thấy có các dấu hiệu của RLTH kéo dài, người nhà nên đưa cha mẹ, ông bà đến các cơ sở y tế uy tín để được khám bệnh và tư vấn điều trị.

Theo suckhoedoisong.vn