Bệnh nhân vào viện với biểu hiện mệt mỏi kéo dài, thể trạng béo phì, tích mỡ ở bụng, tưởng là tăng cân bình thường nhưng lại là biểu hiện của hội chứng Cushing, hậu quả của lạm dụng thuốc corticoid.
Sau hơn 20 ngày điều trị tại khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà D.T.K, 61 tuổi, ở Bắc Ninh đã có thể xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Điều bà không ngờ đến là việc bà bỗng dưng béo bụng lại là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm.
Bà K có tiền sử đái tháo đường týp 2 cách đây 1 năm (đang duy trì tiêm insulin hằng ngày), đau khớp gối phải khoảng 10 năm, nhiều lần tiêm khớp không rõ thuốc và uống thuốc nam. Khoảng một tháng trước khi vào viện, bệnh nhân thấy mệt mỏi nhiều, ăn uống giảm, gầy sút 7kg/tháng.
Da mỏng nên bệnh nhân rất dễ bị xuất huyết tại những vị trí tiêm truyền.
Theo bác sĩ, bệnh nhân nhập viện với thể trạng béo cân nặng 49kg, chiều cao 1.41cm, BMI 24.6. Đặc biệt, những biểu hiện của hội chứng Cushing rất rõ như tóc mai mọc thấp, rối loạn phân bố mỡ, mỡ tập trung ở bụng, tay chân teo, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết tại vị trí tiêm truyền.
Bệnh nhân được chẩn đoán có suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid để điều trị bệnh khớp. Sau quá trình điều trị, hiện sức khỏe bệnh ổn, có thể ra viện.
Sau 20 ngày điều trị, bà K đã có thể ra viện.
Trường hợp thứ 2 cũng bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid là bà N.T.H, 58 tuổi, ở Hải Dương. Bà vào viện ngày 22/10, với biểu hiện mệt mỏi nhiều, yếu nửa người trái.
Theo bác sĩ, bệnh nhân có tiền sử bị đái tháo đường, tăng huyết áp 10 năm, suy thận 2 năm. Vài năm gần đây, bà bị đau khớp gối 2 bên và cột sống thắt lưng, nên đã tự mua thuốc thấp khớp gia truyền dạng viên hoàn uống hàng ngày. Cách đây một năm, bệnh nhân cũng đã được chẩn đoán bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc corticoid, đang điều trị Hydrocortisone 15mg/ngày.
Tương tự như trường hợp bà K, bà H cũng có thể trạng béo, với những biểu hiện của hội chứng Cushing như béo trung tâm, teo cơ tứ chi, da mỏng, tóc mai mọc thấp, lông mày rậm, liệt dây thần kinh 7 trung ương, khớp gối 2 bên đau… Bệnh nhân có rất nhiều bệnh khác đi kèm như đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, bệnh thận mạn giai đoạn 4, nhồi máu não, hạ đường huyết, suy thượng thận do thuốc, thoái hóa khớp gối 2 bên, thoái hóa cột sống thắt lưng, loãng xương.
Ths.Bs Phạm Thị Lưu, khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc corticoid điều tại khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Theo Bs Lưu, trung bình một ngày có 15-16 ca nhập viện thì có đến 1/3 số bệnh nhân có lạm dụng corticoid, so với những năm trước, tỷ lệ tăng lên nhiều. Có những đợt, có phòng có 8 giường thì có đến 6 giường là bệnh nhân do lạm dụng corticoid. Bệnh nhân vào viện với những biến đổi về kiểu hình của hội chứng Cushing đặc trưng như hai trường hợp trên. Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo.
Nhóm thuốc steroids hay gọi chung là thuốc corticoid, vốn có tác dụng chống viêm rất mạnh và được chỉ định trong điều trị nhiều bệnh, nhất là các bệnh nội khoa như thoái hóa khớp, viêm khớp, viêm da, dị ứng, hen phế quản… Điểm khác biệt của Việt Nam so với các nước khác là loại thuốc này tại nước ta dễ mua, giá thành rẻ, Bs Lưu cho biết.
Thuốc corticoid có rất nhiều dạng bào chế tiêm truyền, uống, đường xịt, hít, bôi. Ngoài ra, ở Việt Nam có “đặc sản” là thuốc nam dạng hoàn tán và bột, được sử dụng phổ biến trong các bệnh lý khớp và hô hấp. Có rất nhiều loại thuốc này được phát hiện có trộn lẫn corticoid liều cao.
Việc sử dụng thuốc kéo dài có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ như tăng nhãn áp, loét dạ dày, hội chứng Cushing, đục thuỷ tinh thể, loãng xương, đái tháo đường, tăng huyết áp. Khi dùng lâu, người bệnh sẽ bị phụ thuộc vào thuốc, nên khi ngừng thuốc thì sẽ rơi vào tình trạng suy thượng thận với các biểu hiện như mệt mỏi, huyết áp thấp, hạ đường huyết …
“Chúng tôi thường hay đùa nhau rằng corticoid là ‘thần dược’, đau, ho, sốt, bệnh gì tiêm vào cũng đỡ, thường là bệnh lý về khớp, gút, thoái hóa. Cũng vì tác dụng quá nhanh như thế mà nhiều người vô tình lạm dụng mà không hề biết những mối nguy tiềm ẩn của nó. Những trường hợp thoái hóa khớp thường không chỉ định điều trị bằng uống, chủ yếu là bệnh nhân tự mua”, BS Lưu chia sẻ.
Điều trị những bệnh lý khớp bằng thuốc tây y thường cần thời gian để đáp ứng. Có trường hợp bệnh nhân uống hết một đơn thuốc không thấy đỡ, họ lại nghe này mách uống thuốc này đỡ nên đi mua. Họ không hề biết mình đang đối diện với nguy cơ lạm dụng thuốc corticoid mà không hay.
BS lưu nhấn mạnh, các dạng thuốc corticoid tốt nhưng với điều kiện là dùng đúng liều lượng, đúng chỉ định. Bệnh nhân khi có bệnh nên đến bệnh viện điều trị, tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị.
Tại Việt Nam, đa số bệnh nhân sử dụng các thuốc này trong một thời gian dài 5-6 năm, vì thế khi tuyến thượng thận đã bị suy thì gần như không có khả năng phục hồi. Bệnh nhân có sức khỏe bị giảm sút nhiều và phải điều trị thay thế hormone lâu dài.
Theo Nam Phương/dantri.com.vn