Đến trưa nay (28/10), bão số 9 đã vào bờ, gây sóng to gió rất lớn tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và một phần phía Bắc tỉnh Bình Định.
Đến trưa 28/10, bão số 9 đã vào bờ, gây sóng to gió rất lớn, đặc biệt là các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và một phần phía Bắc tỉnh Bình Định. Hàng trăm mái nhà bị tốc mái, cây cối ngã đổ và nhiều nơi bị mất điện.
Từ 8 giờ sáng nay, tại tỉnh Quảng Nam gió mạnh dần lên, trời mưa to. Nhiều cây xanh bị ngã đổ, mất điện trên diện rộng. Ông Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm, thành phố Hội An cho biết, tại Cù Lao Chàm gió rất mạnh, cấp 10, cấp 11, sóng biển cao. Tại thành phố Hội An, triều cường dâng cao, sóng biển mạnh tiếp tục xói lở bờ biển Cửa Đại ăn sâu vào đất liền.
Biển Quảng cáo ở huyện Nam Trà My ngã đổ.
Đến trưa nay, 29.000 hộ dân với 88.000 nhân khẩu đang được sơ tán tránh bão. Tại các điểm sơ tán dân tập trung, chính quyền các địa phương bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân cách phòng tránh an toàn, tuyệt đối không để người dân trở về lại nhà khi bão chưa tan.
“Người dân rất cẩn thận trong việc chằng chống nhà cửa. Đặc biệt chúng tôi chỉ đạo cho ngành công an, quân đội, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân an tâm trú bão, bảo vệ tài sản ở nhà. Xác định tư tưởng cho người dân không được chủ quan lơ là. Chúng tôi quản lý chặt chẽ, bão tan mới đưa người dân trở lại nhà.”- ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, suốt từ khoảng 8 giờ sáng đến trưa nay, gió trong đất liền đã quật liên hồi. Gió bão thổi bay mái trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phổ Minh, thị xã Đức Phổ, Trường THPT Chu Văn An, huyện Tư Nghĩa. Rất may, những trường này không có người đến sơ tán. Hàng loạt nhà cửa cấp 4 của người dân ven biển bị tốc mái, nặng nhất là ở huyện Lý Sơn, thị xã Đức Phổ, huyện Nghĩa Hành. Ngay cả một số huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Tây cũng có gió bão mạnh gây tốc mái nhà cửa. Một trạm BTS thu phát sóng viễn thông của Vinaphone ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ bị đổ ngã.
Cây cối ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam ngã đổ.
10 giờ sáng nay, có 1 khách là trọng tài ở khách sạn Sông Trà, TP Quảng Ngãi bị huyết áp cao. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã điều xe bọc thép đưa trọng tài này đi cấp cứu. Ông Đặng Văn Minh cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, rất nhiều kho tàng, nhà cửa, trường học, nhà xưởng của các doanh nghiệp bị tốc mái, chưa thể thống kê được. Tuy nhiên, rất may chưa có thiệt hại về người.
Về trường hợp anh Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1981, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành chết tại Bệnh viện Đà Nẵng ngày 27/10, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định đây không phải là trường hợp chết người do bão mà là bị thương do tai nạn lúc dọn dẹp nhà cửa. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bão đã bắt đầu đổ bộ vào xã biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, thiệt hại rất nhiều về nhà cửa, nhưng chưa có thiệt hại về người.
"Cần phải triển khai đồng bộ tất cả các công việc, nhưng trong đó tôi vẫn lưu ý trường hợp cần quan tâm đặc biệt các trụ sở di dời người dân đến kiểm tra chèn chống, đảm bảo tuyệt đối an toàn."- ông Đặng Văn Minh cho biết.
Tại tỉnh Phú Yên, từ đêm qua đến sáng nay, liên tục có mưa to, gió giật, nhiều cây lớn bị ngã đổ. Buổi sáng, tại thị xã Sông Cầu, 31 căn nhà bị tốc mái, gần 30 ha ao đìa nuôi thủy sản bị sóng đánh hư hỏng, 2 tàu thuyền nhỏ bị chìm.
Cây xanh ở Nam Trà My gãy đổ.
Sáng nay (28/10), khi bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn tỉnh Phú Yên nhưng nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, thậm chí, đòi quay trở lại nhà trong lúc thời tiết còn diễn biến phức tạp. Cán bộ, chiến sỹ tại các nơi sơ tán bên cạnh phục vụ người dân còn làm thêm nhiệm vụ vận động người dân không được chủ quan, quay trở lại nơi ở.
Trưa 28/10, tại Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận nhiều thiệt hại ban đầu. Hàng trăm nhà dân tốc mái, cây cối ngã đổ rất nhiều. Ngoài ra, một số thiết chế công trình công cộng khác đã bị hư hỏng. Các địa phương cũng chủ động khoanh vùng tất cả những nơi trọng điểm, nhiều vùng chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn người dân, an toàn cho các công trình đang thi công.
“Từ nay cho đến chiều, cơn bão này tiếp tục gây gió rất lớn ở đất liền. Như vậy, chúng ta cần quán triệt để tất cả người dân ở tất cả các điểm di trú đảm bảo an toàn, cố gắng để khi có thông báo mới nhất tan cơn bão mới được trở về nhà. Một trong những nhiệm vụ tới đây là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân kể cả khu vực tàu thuyền neo đậu, ở những nơi đã sơ tán.”- Bộ Trưởng Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định./.
Theo Nhóm PV/VOV-Miền Trung