Nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Tài chính là phải có trách nhiệm để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành tài chính giai đoạn 2021 – 2025 diễn ra chiều nay (31/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chỉ có thể tự hào khi việc huy động được ngân sách cao không phải do tận thu mà là do người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác. Do đó, nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Tài chính là phải có trách nhiệm để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
Trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang gặp thiệt hại nặng nề do bão, lũ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành tài chính cùng các bộ, ngành tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, sớm phục hồi đời sống và sinh kế cho người dân, các hoạt động kinh tế xã hội tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo cấp hàng ngàn tấn gạo, vật tư thiết yếu để hỗ trợ khắc phục lũ lụt. Thủ tướng cho biết ngay sau dự đại hội này sẽ đi kiểm tra thực tế để xem hỗ trợ của Chính phủ đến tay người dân hay không.
Thủ tướng đánh giá cao ngành tài chính đã nỗ lực thi đua vượt khó, không ngừng phấn đấu với quyết tâm cao, cơ bản đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu tài chính, ngân sách nhà nước đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020. Trước hết, quy mô ngân sách nhà nước tăng lên. Tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% giai đoạn 2011-2015 lên 80,9 %, giai đoạn 2016-2019 và đạt khoảng 84-85% năm 2020.
Bên cạnh đó, ngành cũng bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27-28%, vượt mục tiêu đề ra (25%). Tỷ trọng chi thường xuyên giảm từ 62-63% xuống còn trên 60% dự toán năm 2020 trong khi vẫn bảo đảm nguồn thực hiện tăng lương và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.
Nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 57% GDP năm 2020. Cơ cấu nợ chuyển dịch bền vững hơn, chuyển dần sang nợ trong nước với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, chỉ còn khoảng dưới 3%/năm. Ngành tài chính cũng là một trong những ngành đi đầu trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhất là trong hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước trên toàn quốc, nhất là ngành thuế.
Chỉ ra một số tồn tại của ngành, Thủ tướng cho rằng, một số cơ chế chính sách chậm được sửa đổi hoặc ban hành chưa kịp thời; gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 vừa qua chậm được triển khai. Có lúc, có nơi kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước bị buông lỏng, còn tình trạng xử lý công việc, phối hợp công tác nội bộ với các, bộ cơ quan khác, với các địa phương chưa kịp thời hoặc trả lời, góp ý chậm, nội dung né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Không phải tư duy thu càng nhiều càng tốt
Nêu rõ, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc 2020 và bước vào năm hai 2021, năm đầu của thời kỳ chiến lược 10 năm 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thủ tướng cho rằng, ngành tài chính có nhiều cơ hội, tiềm năng, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Yêu cầu ngành tài chính cần tận dụng cơ hội, vượt lên khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh tư duy vì dân phục vụ, tư duy phục vụ sự phát triển của đất nước mạnh mẽ hơn nữa. Quản lý tài chính quốc gia không phải có tư duy thu càng nhiều càng tốt và nghĩ rằng phân bổ chỉ tiêu là sự ban phát. Thay vào cần phải có tư duy rằng thu thuế thể hiện sự tín nhiệm, ủy thác của người dân đối với Chính phủ về chất lượng các dịch vụ công mà Chính phủ cung cấp.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỷ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu. Nếu người dân không tín nhiệm với Chính phủ, họ tìm cách trốn thuế, tránh thuế, lách thuế khi đó ngân sách rất khó thu được thuế. Do đó, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm làm sao để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
Thủ tướng cho rằng, tư duy chiến lược của ngành tài chính là phải thể hiện tầm nhìn vĩ mô, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi ích chung của đất nước, vì quốc gia, dân tộc, như nhiều lần Thủ tướng đã nói, tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách nhà nước, là giữ tiền mà tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả và làm tiền đẻ ra tiền. Tài chính là kinh tế, là nguồn lực và tiềm lực của đất nước, không chỉ đã có, đang có mà sẽ có. Tài chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua. Tập trung nghiên cứu, sớm đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo đúng tinh thần Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Thủ tướng đề nghị ngành tài chính phấn đấu đưa tỷ trọng thu ngân sách trung ương lên trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước và tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia./.
Theo Vũ Dũng/VOV