Một lần nữa, văn hóa, di sản, ẩm thực lại là những yếu tố nổi trội mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho du lịch Việt Nam.
Ngày 3/11/2020 (theo giờ London, Vương quốc Anh), Tổ chức World Travel Awards đã công bố kết quả bình chọn Giải thưởng khu vực châu Á. Việt Nam vinh dự được bình chọn là điểm đến di sản hàng đầu châu Á, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục này. Một lần nữa, văn hóa, di sản, ẩm thực lại là những yếu tố nổi trội mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho du lịch Việt Nam. Điều này cho thấy, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng với việc kiểm soát tốt dịch, du lịch Việt vẫn tạo được sự hấp dẫn riêng, khẳng định là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Việt Nam được bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á về di sản, ẩm thực và văn hóa. (Ảnh: HL)
Hiện toàn ngành Du lịch đang nỗ lực, tích cực thực hiện các biện pháp kích cầu nhằm “vực dậy” du lịch nước nhà sau “cú đấm bồi” ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chủ đề đợt kích cầu lần 2 là “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, các doanh nghiệp ưu tiên việc đảm bảo an toàn cho du khách, đồng thời “tung ra” các gói sản phẩm hấp dẫn cả về giá cả, dịch vụ và điểm đến. Vào tháng 10/2020, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội; điện thoại thông minh. Ứng dụng là sản phẩm quan trọng nhằm góp phần triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020; giúp du khách dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến, cập nhật bản đồ số để biết cảnh báo an toàn, tìm kiếm thông tin về các dịch vụ nhà hàng, khách sạn...
Trong tháng 11/2020 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hội nghị sẽ tập trung đánh giá tình hình phát triển ngành du lịch thời gian qua; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phục hồi và phát triển du lịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận về việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch, tạo động lực phát triển cho du lịch Việt Nam sau COVID-19; thống nhất hành động triển khai giữa các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị đề cập đến tình hình du lịch khu vực và thế giới, thách thức và cơ hội đối với du lịch Việt Nam; những xu hướng mới trong nhu cầu du lịch và sự thích ứng của du lịch Việt Nam. Kết quả của hội nghị sẽ là cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch đang chuẩn bị nội dung Đề án "Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa" để báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là đề án nằm trong kế hoạch của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hoá Việt Nam mà Đề án đề cập là định vị thương hiệu du lịch văn hoá dựa trên giá trị đặc sắc về di sản và ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng giá trị cao và được thị trường ưa chuộng. Cụ thể là đến năm 2030, ngành du lịch văn hoá sẽ chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, được đầu tư công phu, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế./..
Theo Huy Lê/dangcongsan.vn