Cập nhật: 09/11/2020 09:58:00
Xem cỡ chữ

Đó vừa là phương châm hành động, vừa là lời hứa từ sâu thẳm trái tim các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lữ đoàn Công binh Hải quân 131, Quân chủng Hải quân. Trong suốt 45 năm kể từ ngày thành lập, những người lính 131 đã xây dựng hàng trăm công trình lớn, nhỏ; qua đó góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...

 Những người lính Lữ đoàn 131 xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh: TB).

Hình ảnh người chiến sĩ Lữ đoàn Công binh Hải quân 131 luôn gắn liền với các công trình tại các vùng biển, đảo. Xây dựng công trình trên đất liền đã khó, xây dựng công trình trên đảo còn khó khăn gấp nhiều lần. Nếu như ở đất liền, xây một căn nhà cấp 1 thời gian khoảng 2 tháng thì ở Trường Sa phải mất 7 tháng, thậm chí là lâu hơn. Trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, để xây dựng thành công những công trình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không thể thiếu ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường của những người lính trước biển cả bao la. Vì vậy, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp Lữ đoàn 131 chính là điển hình cho tinh thần thép nơi đầu sóng ngọn gió. Những ngày đầu, chỉ với các phương tiện thô sơ nhưng lực lượng Công binh Hải quân đã làm nên những kì tích trong việc xây dựng những công trình, làm chỗ dựa, điểm tựa cho bộ đội đóng quân trên các đảo. Những công trình này không chỉ có giá trị về cả về vật chất, tinh thần mà còn góp phần tạo lên sức mạnh trong thực hiện nhiệm vụ giữ đảo.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị, Thượng tá Vũ Quang Khoát, Phó Chính ủy Lữ đoàn 131 chia sẻ: "Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đòi hỏi người lính Công binh Hải quân phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải thực sự yêu quý và gắn bó với biển đảo. Bởi ngoài thời tiết khắc nghiệt thì việc chuyển tải vật liệu lên đảo là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất. Sức người là vậy mà có ngày những người lính Công binh Hải quân cõng đến cả trăm tấn vật liệu trên vai chuyển từ tàu vào đảo. Đó là những lý do mà tại sao những người lính công binh ở Trường Sa trên vai thường có rất nhiều những vết chai sần. Những chiếc áo yếm hải quân bạc màu không chỉ vì dãi nắng dầm mưa theo thời gian mà còn rách bươm vì vết cắt của gạch, đá, nguyên vật liệu mà họ vẫn thường vác trên vai khi vận chuyển từ tàu vào các đảo, điểm đảo".

Được biết, trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, từ năm 2015 đến nay Lữ đoàn 131 đã tập trung vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu vừa tích cực triển khai xây dựng các công trình quốc phòng trong bờ, ngoài đảo. Đơn vị đã hoàn thành bàn giao công trình Côn đảo và một số công trình trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; triển khai thi công công trình tại Quảng Ninh, Phú Yên, Hải Phòng…Đội ngũ cán bộ, từ chỗ chỉ có một vài đồng chí có trình độ đại học, kỹ sư, đến nay đơn vị đã có trên 90% đội ngũ cán bộ qua đại học, trong đó có 8 đồng chí trình độ thạc sỹ. Đảng bộ Lữ đoàn cũng thường xuyên thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng. Hiện nay, toàn Lữ đoàn đang có 15 chi bộ, 3 Đảng bộ bộ phận. Các tổ chức Đảng luôn quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; qua đó lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm.

 Công trình Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca do những người lính Lữ đoàn 131 xây dựng. (Ảnh: TB).

Là người có nhiều năm đi xây dựng các công trình trên đảo, Trung tá Nguyễn Trần Nam, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 131 bộc bạch, với mỗi người lính Công binh Hải quân chúng tôi, biển đảo là máu thịt thiêng liêng nhất. Từng viên đá xây đảo, từng bao xi măng để xây dựng cầu tàu hay các công trình dân sinh trên quần đảo đã thấm mồ hôi nước mắt và cả máu của người lính công binh. “Việc anh em cán bộ, chiến sĩ tắm nước biển hằng tháng trời nhưng không không tráng nước ngọt để dành nước cho xây dựng là chuyện hết sức bình thường vì công trình phải được xây bằng nước ngọt, và ai cũng muốn dành những điều kiện tốt nhất để sớm hoàn thành việc xây dựng các công trình trên đảo”, Trung tá Nguyễn Trần Nam cho biết thêm.

Có thể nói, 45 năm qua, những bước chân miệt mài không nghỉ của những người lính Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân đã in dấu tại hầu hết các công trình trên đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng như các đảo gần bờ từ Bắc vào Nam. Dẫu còn nhiều gian khó, nhưng bằng tình yêu biển đảo và trách nhiệm, tình cảm của người lính Hải quân, họ đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong thực hiện nhiệm vụ tăng cường sức mạnh tổng hợp trên các tuyến biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (6/11/1975-6/11/2020), các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp của Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân đã xây đắp lên truyền thống vẻ vang “Anh dũng sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 huân chương Quân công hạng Ba, 1 huân chương Chiến công hạng Nhất, hai Huân chương Chiến công hạng Nhì; 1 Huân chương Chiến công hạng Ba; Lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, đặc biệt là danh hiệu 2 lần Anh hùng LLVTND, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Những phần thưởng cao quý này không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp quan trọng của Lữ đoàn Công binh Hải quân 131, mà còn là niềm tự hào, là động lực to lớn để lớp lớp cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp toàn Lữ đoàn 1 tiếp tục bồi đắp tình yêu biển đảo; phát huy tinh thần trách nhiệm trong nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và nhân dân giao phó./.

Theo Quang Đạo – Tài Bá/dangcongsan.vn