Cập nhật: 12/11/2020 14:45:00
Xem cỡ chữ

Thời điểm này, nhiều địa phương và doanh nghiệp đang rục rịch chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Tân Sửu 2021. Mục tiêu lớn nhất là đa dạng nguồn hàng hóa và ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Đa dạng nguồn hàng cho dịp Tết.

Vào cuộc chuẩn bị hàng Tết

Là một trong những mặt hàng có nhu cầu rất cao vào dịp Tết, trứng là một trong những mặt hàng bình ổn giá. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch tăng cung để ổn định giá mặt hàng này. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân cho hay, dịp Tết Tân Sửu 2021, ngoài tăng cường thêm số lượng thực phẩm chế biến, Ba Huân sẽ cung cấp cho thị trường hơn một triệu quả trứng gia cầm cho chương trình bình ổn thị trường.

“Để tăng sức cạnh tranh và phục vụ tốt nhất người tiêu dùng, năm nay, Ba Huân tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn giá, đồng thời đưa ra thị trường một số sản phẩm thực phẩm chế biến, mới lạ về chất lượng và hương vị nhằm đa dạng sự lựa chọn của người dân”, bà Phạm Thị Huân cho biết.

Ba Huân là một trong những doanh nghiệp đã và đang vào cuộc tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn cung và bình ổn giá thực phẩm phục vụ cho người tiêu dùng trong dịp cuối năm. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bộ ngành, địa phương thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu, đưa hàng hóa, đặc biệt là nông sản đến các địa phương có sức mua lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, góp phần bình ổn giá cả, giúp hàng hóa lưu thông tốt hơn. Từ nay đến cuối năm, đây là hoạt động tiếp tục thực hiện mạnh.

Về các địa phương, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội cho biết, cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán 2021, hoạt động kinh doanh thương mại dự báo sẽ sôi động, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 3 - 20% theo từng nhóm hàng. Cụ thể, nhu cầu thực phẩm ba tháng trước Tết, trong và sau Tết Nguyên đán ước khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy hải sản, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 156 nghìn tấn trái cây...

Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: Nông sản khô (nhu cầu tăng từ 25 - 33% so với tháng thường); xăng dầu (nhu cầu tăng khoảng 20%); hoa, cây cảnh (nhu cầu tăng từ 25 - 35%)... Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội khoảng 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.

Tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương -cho biết, lượng hàng chuẩn bị tiêu thụ Tết năm nay tăng 4,4 - 17,3% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 12 - 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22 - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...

Tổng dự trữ trên do các doanh nghiệp thương hiệu mạnh, quy mô chi phối thị trường trong mảng phân phối như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, BigC, Aeon Citimart… và các đơn vị cung ứng chủ lực mặt hàng lương thực, thực phẩm như: Vissan, Sagrifood (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm); Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo); Thành Thành Công (đường)… thực hiện.

Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, hiện doanh nghiệp đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị nguyên vật liệu cho sản xuất hàng hóa với sản lượng dự kiến tăng bình quân khoảng 20% so với các tháng thường. Chẳng hạn với Công ty TNHH Meizan, ngay từ thời điểm miền trung mưa bão doanh nghiệp này đã huy động tối đa công suất để kịp thời cung ứng các sản phẩm nui, mì cho người dân vùng lũ. Tới nay công suất hoạt động của doanh nghiệp vẫn được duy trì để bảo đảm cho dịp Tết sắp tới. Hay với Saigon Co.op, từ kế hoạch được Thành phố giao đã chủ động làm việc với nhà cung cấp để có nguồn hàng chất lượng, giá thành hợp lý cho người tiêu dùng. Nhà bán lẻ này cũng dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá đến 50% cho các mặt hàng như bánh mứt kẹo, thực phẩm, nước giải khát… để chia sẻ áp lực chi tiêu cho khách hàng. 

Chú trọng các giải pháp kết nối cung cầu 

Bên cạnh các giải pháp đa dạng nguồn cung, nhiều hoạt động kết nối cung cầu cũng được tích cực triển khai. Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm đưa hàng Tết đến với người dân các huyện ngoại thành, xã miền núi, khu công nghiệp, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức 12 phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và người lao động. Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ, và 11.382 trang web, sàn thương mại điện tử và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

“Đặc biệt, do nguồn cung hàng hóa của Hà Nội không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân nên Sở Công thương Hà Nội đã giới thiệu tới doanh nghiệp các tỉnh, thành đưa hàng về bán tại 28 điểm kinh doanh cố định do TP Hà Nội bố trí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đúng giá”, bà Lan cho hay.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú cũng cho hay, để bổ sung nguồn hàng Tết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố và Bộ Công thương, Sở Công thương đã phối hợp các tỉnh, thành tổ chức thành công Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 và Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2020. Trong đó, riêng Hội nghị Kết nối cung - cầu đã có 597 nhà cung ứng của 43 tỉnh, thành cả nước và hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia, kết quả đã kết nối được 595 hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Nhờ đó, dự báo tình hình thị trường Tết trên địa bàn Thành phố sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý. 

Ngay từ tháng 3, khi dịch bệnh bùng phát, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường cho cả năm nay, có tính đến việc tăng cung. Từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết, TP Hồ Chí Minh sẽ bảo đảm nguồn cung hàng hóa đầy đủ, kể cả trong trường hợp dịch bệnh quay trở lại. Với các phương án được triển khai rõ ràng, dự báo, nếu không có biến động bất thường, hàng hóa phục vụ cho dịp Tết sẽ dồi dào, ổn định giá cả.

Theo HÀ ANH/ nhandan.com.vn - Ngày 12/11/2020