Hẹp động mạch thận là hẹp một hoặc cả hai động mạch thận. Động mạch thận là động mạch mang máu tới thận từ động mạch chủ bụng.
Bệnh thường gặp ở người già. Hẹp động mạch thận có thể xấu đi theo thời gian và thường dẫn đến tăng huyết áp và tổn thương thận. Cơ thể sẽ cảm nhận được sự thiếu máu đến thận và hiểu sai rằng cơ thể đang bị tình trạng huyết áp thấp, do đó tiết ra những hormon từ thận để tăng huyết áp. Sau một thời gian, hẹp động mạch thận sẽ dẫn đến suy thận.
Hẹp động mạch thận là gì?
Bệnh hẹp động mạch thận (renal arterial stenosis) có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Thận trong cơ thể có chức năng chính là lọc máu, loại thải các chất độc trong máu rồi loại thải qua đường niệu. Cơ chế chính là do máu sẽ đi đến hai động mạch thận hai bên rồi đến các cấu trúc bên trong hai thận, sau đó chất độc sẽ được chuyển ra tiếp qua đường tiết niệu.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như: viêm động mạch, loạn sản xơ, xơ vữa động mạch, trong đó xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây hẹp động mạch thận nhiều nhất. Điều đáng báo động là số người mắc bệnh này tăng rất nhanh.
Hẹp động mạch thận là hiện tượng bệnh lý do nhiều nguyên nhân, trong đó hơn 90% là mảng xơ vữa gây hẹp động mạch nuôi thận, từ đó giảm tưới máu nuôi đến thận và hậu quả cuối cùng là suy chức năng hay mất chức năng thận.
Hình ảnh hẹp động mạch thận.
Biểu hiện của hẹp động mạch thận
Khác với những bệnh lý khác, hẹp động mạch thận thường không gây ra triệu chứng cho bệnh nhân. Dấu hiệu mà các bác sĩ hay dùng để phát hiện bệnh là tăng huyết áp với các trường hợp tăng huyết áp ở người trẻ tuổi hoặc những người lớn tuổi nhưng huyết áp cao khó kiểm soát, hoặc tầm soát ở những đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ xơ vữa như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu... vì khi giảm tưới máu thận sẽ gây tăng tiết các nội tiết tố đưa đến hiện tượng giữ muối, nước và co mạch ngoại vi, từ đó gây tăng huyết áp.
Hẹp động mạch thận được xem là một nguyên nhân gây tăng huyết áp ở các đối tượng sau đây: trên 50 tuổi và có tiền căn tăng huyết áp; không điều trị thành công với ít nhất 3 hoặc nhiều hơn các loại thuốc điều trị huyết áp. Các triệu chứng suy giảm chức năng thận bao gồm: tăng hoặc giảm nước tiểu so với bình thường; phù nề, gây sưng ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân nhưng ít phù thường xuyên ở tay hay mặt; buồn ngủ hoặc mệt mỏi; ngứa hoặc bị tê; da khô; hay đau đầu; sút cân; mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn; khó ngủ, khó tập trung; hay bị chuột rút (vọp bẻ).
Các biến chứng nguy hiểm
Bệnh hẹp động mạch thận nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm là: tăng huyết áp ác tính, tăng huyết áp cao từng cơn, đột ngột, không kiểm soát được bằng các phương pháp điều trị thông thường dẫn đến tai biến mạch não. Giảm tưới máu nhu mô thận làm thiếu máu thận mạn tính dẫn đến teo thận. Một nghiên cứu cho biết: có khoảng 14-49% số bệnh nhân có biểu hiện teo thận tại thời điểm chẩn đoán được bệnh hẹp động mạch thận. Suy thận tiến triển: do thiếu máu thận mạn tính dẫn đến teo các phức hợp cầu thận. Nếu bệnh nhân tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ thì tỷ lệ tử vong lên tới 30% và thời gian sống trung bình của bệnh nhân hẹp động mạch thận là 27 tháng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hẹp động mạch thận bẩm sinh thì không phòng tránh được, nhưng số người mắc bệnh loại này ít. Hẹp động mạch thận mắc phải có thể phòng tránh được để giảm số bệnh nhân đang tăng nhanh như hiện nay. Biện pháp chủ yếu là khám phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân gây hẹp động mạch thận; Nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt; Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; Ăn uống điều độ, hạn chế ăn thức ăn nhanh để tránh thừa cân béo phì - đây là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch và dẫn tới hẹp động mạch thận.
Theo suckhoedoisong.vn – Ngày 09/11/2020