Những “nút thắt” đang gây khó khăn cho sản xuất và đời sống tiêu dùng, làm mất đi sự cạnh tranh công bằng, minh bạch của sản phẩm hàng hóa.
Từ 10 năm trở lại đây, thị trường nội địa đã phát triển đáng khích lệ, hệ thống phân phối gắn kết với nguồn cung sản xuất trong nước chặt chẽ hơn, hàng hóa đa dạng phong phú, được nâng cao một bước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với hàng Việt. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn những nút thắt đang tồn tại cản trở sự phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn của thị trường trong nước, nhất là thời điểm sau dịch Covid-19 như hiện nay.
Nút thắt lớn nhất chính là là sản xuất chưa gắn kết với hệ thống phân phối một cách chặt chẽ. Bởi số lượng mạng lưới tiêu thụ phát triển trong nhiều năm nay là khá lớn, song vẫn chưa là trợ thủ đắc lực để đảm bảo đầu ra cho nguồn cung hàng hóa đang ở giai đoạn sau dịch.
Hàng hóa trong nước vẫn luôn có một vị thế nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Sở dĩ việc sản xuất và các chuỗi phân phối chưa kết nối được đầy đủ theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú là do nhiều nhà sản xuất bị chiếm dụng vốn khi thanh toán chậm theo hợp đồng, hoặc phí tạo mã của một lô hàng nhập vào một số siêu thị phải đóng góp từ 10-20 triệu đồng cho tới hàng trăm nghìn USD để có chỗ đứng trong những siêu thị lớn.
“Những bản hợp đồng kí gửi đại lý hàng hóa được một số siêu thị soạn sẵn, mang tính áp đặt là chủ yếu, bao gồm những điều khoản vô lý buộc bên gửi hàng phải chấp nhận. Đây là nút thắt lớn nhất cần phải khắc phục sớm khi nó đã tồn tại hàng chục năm nay”, ông Phú cho biết.
Một yếu tố khác khiến hệ thống phân phối gặp nhiều khó khăn là hạ tầng của hệ thống phân phối, cũng như các chi phí khác của thương mại bán lẻ ở thị trường. Đơn cử 1 con lợn trong quá trình chăn nuôi giết mổ và tiêu thụ phải chịu 51 loại phí; một quả trứng chịu 13 loại phí là những dẫn chứng rõ nét cho vấn đề hạ tầng và chi phí sản xuất kinh doanh còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết.
Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, giao dịch mua bán hàng hóa ở Việt Nam ít được công khai minh bạch, thiếu thông tin bởi chưa có một hệ thống các chợ đầu mối vùng đúng tiêu chuẩn của khu vực. Hiện ở Việt Nam chưa có những sàn giao dịch hàng hóa nông sản, thực phẩm nằm trong các chợ đầu mối hoặc hoạt động độc lập, mua bán không có hóa đơn chứng từ, thanh toán bằng tiền mặt khá phổ biến.
“Chính sự giao dịch không minh bạch như vậy luôn luôn đem lại thua thiệt cho người sản xuất, trong bối cảnh một nền kinh tế chia sẻ chưa được hình thành một cách tự giác và phổ biến ở thị trường Việt Nam”, ông Phú nói.
Theo đánh giá của ông Vũ Vinh Phú, những nút thắt kể trên đã gây ra những hậu quả không thể lường hết được cho sản xuất và đời sống tiêu dùng, làm mất đi sự cạnh tranh công bằng, minh bạch của hàng hóa. “Những nút thắt này đã làm cho sản phẩm hàng hóa bị đẩy giá lên cao, không cạnh tranh được với hàng hóa hội nhập và nguy hiểm hơn, những người làm ra những sản phẩm sạch, đạt chất lượng bị thua thiệt, hàng hóa tốt bị bán lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn ở ngoài thị trường tự do bởi rất khó chen chân vào một số siêu thị mang tính chất độc quyền mua trên thị trường”, ông Phú chỉ rõ.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sự yếu kém của hệ thống phân phối thể hiện ở chỗ, hàng hóa, nhất là nông sản thực phẩm, mặc dù đạt tiêu chuẩn theo quy định của các siêu thị, nhưng kết quả của hàng nghìn sự kết nối được tổ chức trong các năm vừa qua mới thực hiện được khoảng 15-20%.
Bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, 10 năm qua và cả những thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hàng hóa trong nước vẫn luôn có một vị thế nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt Nam, khi gần 70% người tiêu dùng xác nhận họ sẽ ưu tiên mua và sử dụng hàng của DN trong nước sản xuất.
Ở thời điểm hiện tại, hàng Việt được đánh giá rất cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên các quầy, kệ. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao, cụ thể Co.op mart hàng Việt chiếm 90-93%, Satra chiếm 90-95%,Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%. Tại các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm 65- 96%...
Việc phân phối sản phẩm cũng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng của các doanh nghiệp hiện nay.
Mặc dù vậy theo bà Lê Việt Nga, vẫn không thể phủ nhận việc hàng hóa Việt đa phần vẫn được sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, bất cập về toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả chưa thực sự cạnh tranh, bao bì chưa bắt mắt... Khâu trung gian và lưu thông phân phối chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế.
Do đó bà Nga cho rằng, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, khẳng định thương hiệu,... việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng nhằm giữ vững thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.
“Hiện tại, các DN thực phẩm như trong nước đang rất nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều DN đã mở rộng thêm các kênh bán hàng trực tuyến, giúp khách hàng thoải mái chọn mua các sản phẩm của công ty, đa đạng chủng loại hàng hóa. Riêng với lĩnh vực rau quả, các DN chú trọng thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... cũng như nỗ lực đưa hàng vào các hệ thống phân phối nội địa”, bà Nga cho biết./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN - Ngày 19/11/2020