Ngoài tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền… để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, ngành du lịch cần nghiên cứu sâu cơ cấu khách quốc tế theo nhu cầu và sản phẩm du lịch, các phân khúc khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, sử dụng các sản phẩm du lịch mà Việt Nam có lợi thế.
Khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: VGP/Hà Anh
Để đẩy mạnh kích cầu du lịch, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, trong khuôn khổ Hội chợ VITM Hà Nội 2020, ngày 19/11, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị về cơ cấu lại thị trường khách du lịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong vài năm gần đây du lịch Việt nam đạt được những kết quả phát triển ấn tượng như tốc độ tăng trưởng lượng khách luôn đạt 2 con số, là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế nhanh nhất thế giới, lượng khách nội địa cũng tăng trưởng nhanh chóng. Ngành du lịch có đóng góp GDP quan trọng cho đất nước, điển hình năm 2019 đạt 9,2% trong GDP.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển các ngành khác. Phấn đấu năm 2025 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 1.700-1.800 tỷ đồng, đóng góp 12-14% GDP. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì chúng ta cần nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực và kịp thời.
Bàn về vấn đề cơ cấu lại thị trường du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế thế giới và Việt Nam, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến ngành du lịch, nhưng cũng gợi mở cho chúng ta nhiều cơ hội để vượt qua thách thức, chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế sắp tới.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm khoảng 1,1 tỷ lượt. Sau dịch, xu hướng du lịch quốc tế có nhiều thay đổi. Du khách sẽ chú trọng hơn các yếu tố an toàn sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vệ sinh, tránh các không gian đông đúc, tránh tiếp xúc; xu hướng du lịch trong nước và khu vực; nhạy cảm đối với vấn đề chi phí và giá cả trong việc lựa chọn điểm đến.
Đối với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020 thì rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19. Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80% so với năm 2019. Mặc dù Bộ VHTT&DL cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình kích cầu, giảm giá… nhưng dự báo khách nội địa cũng giảm 50%. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%. Nhiều khách sạn phải đóng cửa.
Vì vậy, trong bối cảnh này, vấn đề chính đặt ra là ngành du lịch cần đánh giá, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện Ban Tiếp thị Vietnam Airlines đánh giá, ngành du lịch khó phục hồi trong ngắn hạn, mà phải mất 2-3 năm, thậm chí dài hơn để hồi phục.
Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, mỗi năm người Việt Nam đi ra nước ngoài lên tới 9-10 triệu lượt, đây là lượng khách rất tiềm năng cho du lịch nội địa.
Ngành du lịch cũng cần xây dựng những sản phẩm khuyến khích khách nội địa tốt hơn. Ngoài các điểm đến quen thuộc, truyền thống như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Sa Pa, Hà Giang… chúng ta còn rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác. Các điểm du lịch này cần được đầu tư tương xứng để thu hút khách, tránh tình trạng khách chỉ đi 1-2 lần rồi không đến nữa. Ngoài ra, các điểm du lịch quen thuộc cũng cần tăng sự mới lạ, hấp dẫn, độc đáo.
Theo Tổng cục Du lịch, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng có xu hướng khuyến khích công dân nước mình đi du lịch nội địa. Bản thân du khách cũng có tâm lý e dè, lo ngại và đòi hỏi an toàn cao hơn khi đi du lịch.
Chính vì thế, ngoài tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền… để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, ngành du lịch cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường, trong đó tập trung nghiên cứu sâu cơ cấu khách quốc tế theo nhu cầu và sản phẩm du lịch, các phân khúc khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, sử dụng các sản phẩm du lịch mà Việt Nam có lợi thế.
Cùng với đó khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường. Đồng thời đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới.
Theo Thiện Tâm/baochinhphu.vn - Ngày 19/11/2020