Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là tác nhân chính gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày. Đây cũng là một loại ung thư khá phổ biến ở Việt Nam và một số nước châu Á khác.
Vi khuẩn HP: Mầm mống ung thư dạ dày dễ lây lan
Hệ gen di truyền của vi khuẩn HP rất đa dạng. Trong đó, chỉ chủng HP có vùng nhiễm sắc thể 40 kb gọi là gen gây độc tế bào A (Cag A) mới có nguy cơ gây ung thư dạ dày.
Ở môi trường axit như dạ dày, vi khuẩn HP tồn tại bằng cách tiết ra một loại enzyme là urease giúp nó trung hòa độ axit trong dạ dày. Một số vi khuẩn HP sử dụng các tiêm mao bơm độc tố được sinh tổng hợp nhờ gen Cag A vào các điểm tiếp nối của các tế bào nền niêm mạc dạ dày. Độc tố này làm thay đổi cấu trúc của các tế bào dạ dày và cho phép vi khuẩn bám vào chúng dễ dàng hơn. Tiếp xúc lâu dài với chất độc này làm dạ dày bị viêm mãn tính.
Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày. Tiếp theo là các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp.
Thực tế cũng cho thấy, ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, gia tăng nhanh và gây nguy hiểm tới tính mạng. Nếu như trước đây, bệnh gặp nhiều ở người trên 50 tuổi thì ngày nay, ung thư dạ dày cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi, thậm chí có trường hợp dưới 30 tuổi cũng mắc bệnh.
Dấu hiệu nhiễm vi khuẩn HP
Hầu hết người nhiễm HP thường không có dấu hiệu rõ ràng. Chỉ khi HP gây bệnh mới xuất hiện triệu chứng tiêu hóa như: Khó chịu vùng bụng hoặc đau ở phần thượng vị, đầy hơi, ợ hơi, buồn nôn và nôn, nặng hơn có thể nôn ra máu, đi cầu phân đen.
Nguyên nhân làm lây lan vi khuẩn HP
Theo các tài liệu của WHO và ngành y tế các nước, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP trên thế giới vào khoảng 40-50%, trong đó, tỷ lệ của Mỹ là 45% và Anh là 47%.
Theo điều tra, hơn 70% dân số nước ta nhiễm vi khuẩn HP. Đặc biệt, trong khi tỷ lệ trẻ em thế giới nhiễm HP chỉ khoảng 20% thì tỷ lệ nhiễm HP của trẻ em Việt Nam rất cao từ 86-96%.
Vi khuẩn HP rất dễ lây lan, 3 con đường lây lan chính của vi khuẩn HP đó là:
- Lây nhiễm qua đường miệng: Vi khuẩn HP tồn tại trong niêm mạc dạ dày người bệnh, tuy nhiên, chúng còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Thói quen của người Việt Nam khi ăn uống là ăn chung mâm, dùng đũa gắp thức ăn từ bát chung, có 1 bát nước chấm chung... Vì vậy nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP là rất cao.
- Lây nhiễm qua đường dạ dày - dạ dày: Quá trình lây nhiễm này diễn ra khi thực hiện thao tác nội soi tại các cơ sở y tế. Nếu dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người có bệnh sang người lành.
- Lây nhiễm qua đường phân - miệng: Khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa tay sạch, hoặc lây nhiễm qua các trung gian khác như côn trùng nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.
Do đó, muốn ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn HP, và giảm nguy cơ ung thư dạ dày, đồng nghĩa với việc cải tạo vệ sinh môi trường và vệ sinh ăn uống. Đặc biệt, phải ngăn chặn sự lây lan HP qua nước bọt: không mem cơm cho trẻ, dùng “đũa hai đầu”, dùng riêng chén nước chấm…
Theo Minh Nhật/dantri.com.vn- Ngày 21/11/2020