Cập nhật: 25/11/2020 08:41:00
Xem cỡ chữ

Tồn tại 143 năm, triều Nguyễn để lại trên mảnh đất Huế một khối lượng di sản khổng lồ gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo về giá trị lịch sử, văn hóa.

Thua Thien-Hue: No luc bao ton Quan the di tich Co do Hue hinh anh 1

Hoàng Thành (Đại Nội Huế) luôn là điểm tham quan chính của du khách mỗi khi đặt chân tới mảnh đất cố đô. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế gắn liền với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những đợt bão lũ kéo dài vừa qua, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đứng trước nguy cơ hư hại, xuống cấp.

Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế) với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ.

Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thời gian qua, với sự hỗ trợ của UNESCO, các tổ chức quốc tế, cơ quan ở Trung ương và tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng người dân địa phương, di sản đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Trải qua các đợt bão lũ lịch sử vừa qua, dù đã được bảo vệ chu đáo nhưng với sức tàn phá nặng nề của thiên tai, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Nhiều điểm di tích bị nước lũ tràn vào và ngập sâu như di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng cung Huế nước dâng ngập sâu đến một mét.

Ngoài ra, nhiều di tích khác dọc sông Hương cũng bị nước lũ tràn gây ngập nặng các đường đi, vùng đệm như Lăng Gia Long, Lăng Thiệu Trị… Việc bị ngâm nước lâu khiến cho tuổi thọ của các công trình bị ảnh hưởng. Ngoài ra, mùa mưa kéo dài, lượng mưa trung bình năm cao, nhất là có những đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày cũng khiến cho mái ngói bị thấm dột, tích nước làm tăng tải trọng mái, các cấu kiện gỗ cũng bị thấm nước, mục ruỗng, mối mọt dẫn đến nguy cơ sụp đổ cao hơn.

Thua Thien-Hue: No luc bao ton Quan the di tich Co do Hue hinh anh 2

Tranh treo tường cung An Định sau khi được phục hồi trong một dự án do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết, hầu hết các công trình nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế đều làm bằng gỗ và đã trải qua tuổi đời khá lâu.

Vào mùa mưa bão, trung tâm có phương án chủ động phòng, chống thiên tai và bảo vệ các điểm di tích. Trung tâm tiến hành khảo sát và tổ chức giằng chống, gia cố những công trình có hiện tượng xuống cấp. Trung tâm chủ động cắt tỉa, giằng chống những cây xanh có nguy cơ đổ vào công trình.

Về lâu dài, trung tâm cũng tăng cường sức chống chịu cho hệ thống cây xanh bằng các phương pháp kỹ thuật, xử lý tầm gửi...; đồng thời, thực hiện phương châm "4 tại chỗ," bảo quản tốt nhất tài sản, tài liệu, trang thiết bị cơ quan trong mùa mưa bão.

Trung tâm luôn sẵn sàng thực hiện phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó” để hạn chế sự hư hại của công trình cũng như trả lại cảnh quan môi trường sạch đẹp cho di tích.

Đặc biệt, trong những ngày bão lũ, trung tâm luôn phân công lực lượng túc trực suốt ngày đêm và chuẩn bị các phương tiện cơ giới, máy móc để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Trung tâm cũng thường xuyên tiến hành các biện pháp xử lý mối mọt cho các công trình.

Hiện nay, có 11 dự án trùng tu, bảo tồn di tích với nhiều hạng mục khác nhau đang được thực hiện tại các điểm di tích. Khi nhận được thông báo có mưa lớn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các đơn vị thi công đã thực hiện các biện pháp che chắn và có phương án bảo vệ các công trình di tích đang trùng tu cũng như các điểm di tích nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung (Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng), cho biết đối với việc thi công các công trình ở các điểm di tích, đơn vị đặc biệt quan tâm đến sự an toàn cho di sản, công trình và con người tại các công trình.

Đơn vị thành lập các tổ phòng, chống bão lũ tại các công trường nhằm chuẩn bị các phương án và lường trước những mối nguy hại với di sản để đề ra giải pháp ứng phó.

Đối với các công trình kiến trúc gỗ trong Quần thể di tích Cố đô Huế có liên kết mộng, liên kết giằng rất yếu thì khi thi công đơn vị đưa vào các biện pháp kỹ thuật để tăng khả năng chống chịu với mưa bão của công trình; đồng thời tiến hành giằng chống, che chắn tránh tình trạng sập đổ di tích, đảm bảo an toàn cho di sản cũng như con người.

Tồn tại 143 năm, triều Nguyễn đã để lại trên mảnh đất xứ Huế một khối lượng di sản khổng lồ bao gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo cả về giá trị lịch sử và văn hóa.

Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như số lượng công trình di tích cần được bảo tồn, tu bổ, phục hồi lớn; diễn biến thời tiết cực đoan... đòi hỏi nhiều biện pháp căn cơ hơn để bảo vệ di tích trong giai đoạn hiện nay, nhất là huy động có hiệu quả sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản./.

Theo Tường Vi (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 23/11/2020

https://www.vietnamplus.vn/thua-thienhue-no-luc-bao-ton-quan-the-di-tich-co-do-hue/678310.vnp