Dự Hội nghị Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN lần thứ 38, sáng 25/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Các nước ASEAN phải phát huy hơn nữa tinh thần hợp tác trong đào tạo, hài hòa khung trình độ, công nhận bằng cấp và chứng chỉ của nhau, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kĩ thuật, liên kết hạ tầng cơ sở.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc tổ chức hội nghị là một biểu hiện tuyệt vời của tinh thần chủ động sáng tạo để cùng nhau vượt qua thách thức, “vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong bối cảnh cả khu vực và cả thế giới đang căng mình chống đại dịch COVID-19.
Nâng cao năng lực ứng phó với các nguy cơ, rủi ro mới
Những năm gần đây, so với nhiều khu vực khác trên thế giới, ASEAN luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng cao, làm tốt việc phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ. Những thành tựu đó có đóng góp rất quan trọng của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN, vai trò không thể thiếu của các thế hệ kỹ sư và kỹ thuật viên trong ASEAN.
Kể từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành năm 2015, ASEAN đã bước sang một giai đoạn mới, tiếp tục được kỳ vọng là một khu vực có sức sống, động lực về kinh tế, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhân lực, vốn đầu tư giữa các quốc gia thành viên cũng như với thế giới. Chủ đề “Phát huy sáng kiến và hành động của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN trong xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững và thịnh vượng” của hội nghị đã thể hiện rất sâu sắc nhận thức về trách nhiệm của giới kỹ sư, kỹ thuật viên ASEAN vì tương lai của khu vực.
Theo Phó Thủ tướng, dù xu thế hòa bình, hợp tác vẫn là chủ đạo, các tiến bộ khoa học-công nghệ đang đem lại rất nhiều cơ hội nhưng cả thế giới, khu vực và từng quốc gia đều đang đứng trước rất nhiều thách thức, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống. Đơn cử như đại dịch COVID-19 hay những trận bão mạnh liên tiếp gây thiệt hại lớn về người, tài sản ở Việt Nam, Philippines gần đây, cho đến vấn đề an ninh mạng, tội phạm trên mạng tiếp tục diễn biến phức tạp…
Vì vậy, hơn lúc nào hết ASEAN cần phải nâng cao năng lực ứng phó với các nguy cơ, rủi ro mới thông qua việc củng cố hạ tầng kĩ thuật, các lực lượng chuyên môn, đặc biệt là sự sẵn sàng và kĩ năng tham gia của từng người dân. Trong đó vai trò của các kỹ sư, các kĩ thuật viên rất quan trọng không chỉ về mặt chuyên môn mà còn cả về ý thức, trách nhiệm và hành động vì cộng đồng.
Phó Thủ tướng cho biết, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những chính sách trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực chất lượng cao nói riêng, các nước ASEAN đã và cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần hợp tác không chỉ trong đào tạo mà cả trong hài hòa khung trình độ, công nhận bằng cấp và chứng chỉ của nhau, quan trọng hơn là cùng nhau thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kĩ thuật, liên kết hạ tầng cơ sở.
Phó Thủ tướng tin tưởng hội nghị sẽ đưa ra được nhiều giải pháp và kiến nghị rất hữu ích không chỉ với các tổ chức thành viên mà cả với chính phủ các nước ASEAN. Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ các kỹ sư, kĩ thuật viên Việt Nam và ASEAN phát triển, tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác, sáng kiến của Liên đoàn, của các nước ASEAN. Tất cả vì một khu vực ASEAN hòa bình hợp tác và thịnh vượng.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao chứng nhận của Liên đoàn Kỹ sư ASEAN cho các cá nhân có nhiều cống hiến. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Củng cố vai trò của các kỹ sư
Hội nghị Liên đoàn các Tổ chức Kỹ sư ASEAN lần thứ 38 tiếp tục khẳng định cam kết củng cố vai trò nòng cốt của các kỹ sư trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; khởi xướng các chương trình hợp tác kỹ thuật chất lượng cao, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật số để xây dựng cộng đồng ASEAN kết nối, công bằng và thịnh vượng.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã tham gia các hội thảo trực tuyến: Tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành Giao thông và Logistics ASEAN; Quản lý chất thải và vi phạm trong quản lý chất thải độc hại; Lập bản đồ Khu vực thảm họa và rủi ro nhằm giảm thiểu tác động của thảm họa thiên tai, trọng tâm sử dụng thiết kế kỹ thuật; Giải pháp công nghệ và quản lý trong kết nối cơ sở hạ tầng về năng lượng lấy con người làm trung tâm; Vai trò của Kỹ sư ASEAN đối với các vấn đề phát triển bền vững của ASEAN; Sáng kiến tăng cường hợp tác giữa khối kỹ sư ASEAN và các nước châu Á-Thái Bình Dương…
Trong thời gian tới, các tổ chức kỹ sư ASEAN định hướng tập trung thúc đẩy việc thiết lập liên kết và hợp tác mạnh mẽ với các chính phủ, doanh nghiệp; tăng cường trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch chuyển lao động kỹ thuật; phát triển chương trình giáo dục kỹ thuật chất lượng cao, xây dựng đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp đủ năng lực để thực hiện các chương trình nghị sự về phát triển bền vững của khu vực; sáng tạo, đổi mới và phát triển các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, xây dựng nền tảng số mạnh mẽ để xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, thích ứng, và gắn kết cao, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế trong và sau thời kỳ COVID-19…
Theo Đình Nam/baochinhphu.vn - Ngày 25/11/2020