Cập nhật: 27/11/2020 08:27:00
Xem cỡ chữ

Nội soi đại trực tràng là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.

 Gia đình có tiền sử mắc ung thư đại trực tràng

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng cần sớm tầm soát - 1

Ung thư đại trực tràng đã được chứng minh có yếu tố gia đình. Nếu trong gia đình có người bị ung thư, chuyên gia khuyến cáo bạn nên nội soi đại trực tràng càng sớm càng tốt, để có thể đánh giá tình trạng đường ruột, phát hiện kịp thời các tổn thương tiền ung thư hoặc khối u.

Nếu kết quả khám sức khỏe tốt, bạn cũng nên kiểm tra 1-2 năm một lần, vì sự khởi phát của ung thư ruột thường tương đối nhanh, và việc kiểm tra thường xuyên có thể tránh bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị.

Người bị viêm ruột

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng cần sớm tầm soát - 2

Viêm ruột là bệnh thường gặp của hệ tiêu hóa, được chia làm 2 loại là cấp tính và mạn tính. Viêm ruột cấp tính thường liên quan đến chế độ ăn uống. Trong khi đó, viêm ruột mạn tính có thể biểu hiện bằng những cơn đau âm ỉ, dai dẳng ở bụng. Nếu bạn bị viêm ruột mạn tính kéo dài hoặc thường xuyên mắc viêm ruột cấp tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư . Do đó, trong trường hợp này, nên nội soi đại trực tràng để chủ đồng phòng chống bệnh tật

Người bị polyp đường ruột

 Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng cần sớm tầm soát - 3

Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường trên bề mặt ruột già (trong lòng ruột, trong thành ruột hay ở bề mặt bên ngoài- ngoài thanh mạc). Một người có thể có nhiều hơn một polyp đại tràng.

Đa phần polyp đại tràng ở dạng lành tính và không phải tất cả chúng đều là ung thư. Tuy nhiên theo thời gian, một trong số chúng có thể thay đổi cấu trúc, trở nên ác tính. Đặc biệt với đa polyp đại tràng thì trong lòng ống tiêu hóa sẽ xuất hiện hàng trăm polyp và tất cả đều có thể trở thành ung thư nên vô cùng nguy hiểm. 

Vì vậy, polyp thường được loại bỏ khi chúng được phát hiện trên nội soi, ngăn chặn nguy cơ polyp đó ung thư hóa.

Polyp và ung thư đại trực tràng có xu hướng gặp nhiều người trong gia đình, cho thấy các yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển polyp. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, tầm soát ung thư đại tràng. 

Những người ăn uống thất thường

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng cần sớm tầm soát - 4

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người trẻ đang duy trì những thói quen ăn uống phản khoa học. Không ăn đủ 3 bữa trong ngày, ăn quá đà, ăn uống tùy theo tâm trạng…, dẫn đến tình trạng dịch tiêu hóa tiết ra liên tục sẽ kích thích thành trong của ruột, lâu ngày dễ dẫn đến ung thư đường ruột. Vì vậy, những trường hợp này nên được nội soi đại trực tràng thường xuyên và quan trọng nhất là đảm bảo một chế độ ăn lành mạnh.

Người trên 50 tuổi

Với sự tăng dần của tuổi tác, chức năng của các cơ quan cũng suy giảm dần. Vì vậy, người trên 50 tuổi nên nội soi đại trực tràng ít nhất mỗi năm một lần để xác định tình trạng sức khỏe hiện tại của đường ruột.

Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi đại trực tràng?

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng cần sớm tầm soát - 5

Bước 1: Lên lịch và chuẩn bị

Trước khi nội soi, bạn cần phải làm một số xét nghiệm máu cũng như nhận thuốc để làm sạch đại tràng tại nhà. Do vậy, hãy lên lịch và đặt khám trước để tiết kiệm thời gian. Hiện nay, có 2 loại nội soi để bạn chọn lựa: nội soi không đau (nội soi gây mê), và nội soi không gây mê. Nếu chọn lựa nội soi gây mê, bạn cần bố trí một người đi cùng để đưa về sau khi thực hiện để đảm bảo an toàn.

Bước 2: Điều chỉnh chế độ ăn uống trước nội soi

Để giúp đại tràng sạch hơn, 3-4 ngày trước nội soi, bạn nên ăn nhẹ, và dùng những thực phẩm ít chất xơ, dễ tiêu hóa, chẳng hạn như: bánh mỳ, cơm, rau củ trái cây không hạt, không vỏ, thịt nạc, trứng. Bên cạnh đó, cần tránh những thực phẩm như: các loại quả hạch, bỏng ngô, thực phẩm giàu chất béo, ngũ cốc, trái cây có vỏ hoặc hạt, ngô, bông cải xanh, đậu Hà Lan…

Đồng thời, bạn cũng không nên dùng vitamin hoặc các chất bổ sung khác. Trong trường hợp đang dùng các loại thuốc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có cần dừng lại hay không.

Bước 3: Chuẩn bị trước ngày nội soi

Một ngày trước khi làm thủ thuật, bạn không nên ăn những thực phẩm cứng, rắn. Thay vào đó, bạn cần uống nhiều nước, nhưng tránh xa các loại nước có màu xanh, đỏ, tím bởi những loại thực phẩm có màu có thể khiến bác sĩ khó quan sát đại tràng hơn. Hai giờ trước khi làm thủ thuật, bạn không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.

Bước 4: Làm sạch ruột

Đêm trước khi nội soi đại tràng, bạn cần dùng thuốc nhuận tràng mạnh để làm sạch đường tiêu hóa. Mỗi cơ sở y tế sẽ có những phương pháp làm sạch đại tràng khác nhau. Người bệnh có thể được sử dụng thuốc xổ hay thụt nước kết hợp với thụt thuốc thông qua đường hậu môn.

Kể từ khi uống thuốc cho đến lúc tiến hành nội soi người bệnh sẽ phải nhịn ăn hoàn toàn. Có thể uống nước đường nếu cảm thấy đói bụng. Do tác dụng của thuốc, người bệnh sẽ đi đại tiện nhiều lần. Khi nào đại tiện ra nước trong là ruột đã sạch hoàn toàn.

Để được hướng dẫn chi tiết nhất về cách làm sạch ruột, bạn nên liên hệ với bệnh viện nơi mình thăm khám để các bác sĩ tư vấn.

Theo Minh Nhật/dantri.com.vn - Ngày 26/11/2020