Cập nhật: 28/11/2020 14:52:00
Xem cỡ chữ

Đêm hòa nhạc kỉ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven diễn ra tại Hà Nội tối 26/11 không còn chỗ trống.

NSƯT Bùi Công Duy biểu diễn concerto của Beethoven cùng nhạc trưởng Tetsuji Honna và Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

Violin Concerto của Beethoven là một bản concerto đặc biệt. Với các bản concerto trước đó như Paganini hay Brahms, dàn nhạc thường làm nền cho violin. Nghệ sĩ violin khi đó giống như một "người hùng" đi giữa "đoàn hộ tống" khiêm nhường. Nhưng với Concerto của Beethoven, tư tưởng âm nhạc chủ yếu nằm trong dàn nhạc và nghệ sĩ violin sẽ ngẫu hứng chơi xung quanh các giai điệu dàn nhạc một cách ngẫu hứng.

Bùi Công Duy trình diễn trong đêm hòa nhạc kỷ niệm 250 ngày sinh Beethoven - 1

Toàn cảnh dàn nhạc tham gia biểu diễn trong đêm hòa nhạc kỷ niệm 250 ngày sinh của Beethoven.

Giống như một chú chim nhỏ bay giữa một khung cảnh hùng vĩ, lúc tung cánh bay lượn, lúc biến mất giữa đám mây. Đây là một bản nhạc mà dàn nhạc và violin cùng ngẫu hứng với nhau, như phần solo của kèn fa-gốt ở chương cuối.

Tác phẩm này đòi hỏi nghệ sĩ độc tấu không chỉ điêu luyện về kỹ thuật mà còn có sự khiêm nhường nhất định để kết hợp với dàn nhạc. Khi thì chói sáng, lúc cần thiết lại sẵn sàng hạ mình. Tổng thể tác phẩm thành công không phải chỉ có nghệ sĩ solo.

Chương I bắt đầu với sự khác thường bằng 5 tiếng trống định âm. Đây là sự mới lạ trong cách bắt đầu một tác phẩm. 5 nốt nhạc này được nhắc lại bằng dàn dây như phần đệm và xuất hiện trong suốt tác phẩm, phần giới thiệu của dàn nhạc kết thúc và phần violin solo bước vào.

Bùi Công Duy bắt đầu tác phẩm tương đối thận trọng, chưa thể hiện nhiều sự ngẫu hứng. Cũng dễ hiểu vì có thể thấy 1 năm qua anh hầu như không xuất hiện do giới hạn biểu diễn vì dịch bệnh Covid-19.

Bùi Công Duy trình diễn trong đêm hòa nhạc kỷ niệm 250 ngày sinh Beethoven - 2

Nhạc trưởng Tetsuji Honna và nghệ sĩ Bùi Công Duy.

Có thể thấy sự thận trọng khi anh sử dụng giá nhạc, dù gần cả buổi anh không nhìn vào bản nhạc. Kèn fa-gốt vài chỗ thổi sai điệu nhưng nhạc trưởng Tetsuji nhanh chóng điều khiển đẩy dàn nhạc lên để đưa mọi thứ về nhịp điệu cần thiết. Chương 1 kết thúc với sự ổn định, ít tính đột phá.

Chương II là trung tâm cảm xúc của cả tác phẩm với giai điệu đồng quê yên ả. Tiếng violin độc tấu với những nốt trill réo rắt chơi các biến tấu trên chủ đề của dàn nhạc như ngập ngừng, muốn nói một điều gì đó nhưng rất khó khăn.

Chỉ sau khi dàn nhạc trình bày lại chủ đề một cách kịch tính thì violin mới thể hiện giai điệu của chủ đề mới, dịu dàng của mình. Người nghe chìm đắm vào một không khí yên bình, thư thái.

Khán thính giả sau khi trải qua giai điệu nhẹ nhàng đồng quê của chương II đã được thưởng thức một chương kết đầy sôi động.

Chương III là một bất ngờ khi Bùi Công Duy mở đầu bằng cách chơi đầy lãng mạn. Các nghệ sĩ lớn thường chọn cách bắt đầu chương này bằng lối chơi mạnh mẽ, chắc chắn nhưng nam nghệ sĩ lại chọn cách tiếp cận mới.

Bùi Công Duy trình diễn trong đêm hòa nhạc kỷ niệm 250 ngày sinh Beethoven - 3

Và cách tiếp cận này lại hợp lý như một bước chuyển từ chương II sang chương III. Ngay sau đó, cao trào được đẩy lên cao một cách đầy bất ngờ, Bùi Công Duy càng chơi càng thăng hoa. Cả khán phòng như vỡ tung khi tác phẩm kết thúc, bầu không khí từ khán giả khác hẳn so với các đêm diễn trước đó.

Sự nồng nhiệt của những tràng vỗ tay không ngừng khiến Bùi Công Duy phải đi ra sân khấu 3 lần, nghệ sỹ cảm ơn thịnh tình của khán giả bằng chương Sarabande của Partita số 2 cho violin solo.

Phần hai với bản giao hưởng số 7 của Beethoven cũng là một màn trình diễn đặc sắc, tinh thần của dàn nhạc rất cao sau màn trình diễn Violin Concerto. Tuy ít được nói đến như các bản giao hưởng số 5 hay số 9 nhưng đây là bản giao hưởng mà bản thân Beethoven thích nhất.

Chương Allegretto thấm đượm chất trữ tình nhưng vẫn mang tính cách hiên ngang, anh hùng ca. Cả khán phòng yên lặng cho đến khi nốt nhạc cuối cùng kết thúc.

Bùi Công Duy trình diễn trong đêm hòa nhạc kỷ niệm 250 ngày sinh Beethoven - 4

Nhạc trưởng Tetsuji Honna và nghệ sĩ Bùi Công Duy mang đến nhiều cảm xúc vỡ òa cho khán giả tham gia đêm nhạc.

Buổi hòa nhạc kết thúc nhưng khán giả vẫn còn lưu lại để thưởng thức dư vị đọng lại của âm nhạc. Có thể nói đây là buổi hòa nhạc để lại nhiều cảm xúc nhất cho người xem trong series hòa nhạc kỉ niệm Beethoven.

Khán giả ở Việt Nam hiện là những khán giả may mắn nhất thế giới khi vẫn có thể được thưởng thức âm nhạc của các nghệ sĩ đẳng cấp trong lúc cả thế giới phải chống chọi với đại dịch Covid-19.

Theo Hà Tùng Long/dantri.com.vn - Ảnh: Hoàng Pane – Ngày 28/11/2020