Thấy con có học hành sa sút, trốn học, cảm giác buồn bã, thu mình, đau đầu thường xuyên…, nhiều bố mẹ nghĩ là bình thường. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn tâm thần học đường.
TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết rối loạn tâm thần ở trẻ em được mô tả là những thay đổi nghiêm trọng trong cách trẻ thường học tập, cư xử hoặc xử lý cảm xúc của trẻ gây ra nỗi đau khổ và các vấn đề trong ngày. Nhiều trẻ thỉnh thoảng trải qua nỗi sợ hãi và lo lắng hoặc các hành vi gây rối.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên bị rối loạn tâm thần, trong đó một nửa khởi phát ở độ tuổi 14. Tại Việt Nam tỷ lệ này là dao động 8 - 29%.
Năm 2019, khoa Sức khỏe Vị thành niên cũng thực hiện một khảo sát tại Hà Nội và Hưng Yên với sự tham gia của gần 1.600 trẻ. Kết quả cho thấy, tỷ lệ trầm cảm ở khu vực Hà Nội là 31%, ở Hưng Yên là gần 19%. Tỷ lệ trẻ bị stress, lo âu cũng khá cao. Tại Hà Nội có đến gần 43% trẻ được hỏi có lo âu, tỷ lệ này ở Hưng Yên là gần 37%.
TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
"Tại các khu vực lớn, đô thị, tỷ lệ rối loạn tâm thần có vẻ cao hơn tỉnh, thành khác. Ngoài ra, về giới, trẻ nữ cũng tỷ lệ lo âu, trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn trẻ nam. Đặc biệt, khối lớp 8,9 cũng có tỷ lệ bị các rối loạn này cao hơn khối lớp 6,7. Điều này có thể do các em chuẩn bị chuyển cấp, áp lực học tập thi cử cao hơn", TS Loan nói.
Môi trường học đường tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ
Phân tích hơn về thực trạng này, TS Loan cho biết trẻ ở lứa tuổi đi học dành tương đối nhiều thời gian tại trường học. Môi trường học đường có nhiều yếu tố bảo vệ cũng như cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây các các rối loạn cho trẻ.
Trong đó, đầu tiên phải kể đến yếu tố căng thẳng trong học tập. Điều này có thể gây ra bởi sự kỳ vọng của gia đình. Cha mẹ luôn muốn con học tốt, thành tích cao, học trường chuyên lớp chọn, sự kỳ vọng này tạo các em áp lực trong học tập. Nó cũng có thể xuất phát từ bản thân các em, đặt mục tiêu quá cao, luôn muốn là người đứng đầu lớp, vượt xa các bạn bè. Căng thẳng cũng có thể đến từ khối lượng bài vở khiến trẻ không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
"Bố mẹ cứ nghĩ là so sánh nó với đứa khác xong thấy tấm dương ấy nó sẽ học tập theo thì nó sẽ tốt hơn, nhưng thực chất chỉ tác động đến lòng tự trọng, cảm giác tổn thương về tâm lý làm cho càng học dốt đi", là những chia sẻ của một bé gái 13 tuổi ở Hà Nội khi tham gia thảo luận nhóm.
Yếu tố nguy cơ thứ 2 là sự thiếu hỗ trợ, cụ thể là sự động viên khích lệ của các thầy cô giáo, các hoạt động giải trí.
Thứ 3 là môi trường học đường bất ổn, bạo lực học đường- đây là vấn đề đáng lo ngại là học sinh gây ra bạo lực học đường không chỉ em trai mà cả em gái. Bên cạnh đó còn phải kể đến mâu thuẫn bạn bè, xa bố mẹ.
Rối loạn tâm thần học đường là một vấn đề đáng báo động.
Thứ 4 trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm, phải giấu cha mẹ-thầy cô, tình cảm đơn phương. Đây là yếu tố gây buồn rầu, trầm cảm, thậm chí có em có hành vi tự sát khi gặp đổ vỡ trong các mối quan hệ.
Thứ 5 là quá trình chuyển cấp có thể là coi sang chấn với trẻ. Bản thân TS Loan từng tiếp nhận trẻ từ chối không đi học hoặc kết quả học tập sút kém hoặc lo âu khi chuyển cấp.
Thứ 6 là thay đổi tâm lý dậy thì ở giai đoạn học đường. Trẻ đang trải qua giai đoạn dậy thì, có nhiều thay đổi, trong đó có thay đổi về tâm sinh lý, bắt đầu quan tâm hình ảnh cơ thể mình, có tính độc lập… Trẻ rất nhạy cảm, dễ chịu tác động của yếu tố bên ngoài. Vì chưa trưởng thành nên đôi khi các em giải quyết vấn rất manh động.
Thứ 7 là thiếu phối hợp giữa gia đình và trường học.
Dấu hiệu cảnh báo rối loạn tâm thần học đường
TS Loan khuyến cáo khi trẻ có một trong số các biểu hiện này, cha mẹ cần lưu ý, thậm chí là đưa con đi sàng lọc tại các cơ sở y tế chuyên khoa:
- Thay đổi tâm trạng: như cảm giác buồn bã, thu mình hoặc thay đổi tâm trạng
- Thay đổi cảm xúc: sợ hãi bao trùm, tức giận bộc phát, lo lắng tột độ
- Thay đổi hành vi: hành vi mất kiểm soát, thường xuyên đánh nhau, sử dụng vũ khí
- Khó tập trung, học hành sa sút
- Những thay đổi trong kết quả học tập
- Trốn học
- Rút lui hoặc tránh các tương tác xã hội
- Tự gây thương tích, cố gắng tự tử
- Lạm dụng chất kích thích, sử dụng hoặc lạm dụng ma túy, rượu
- Thay đổi thói quen ăn uống
- Giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn
- Các triệu chứng thể chất như đau đầu thường xuyên hoặc đau bụng
Theo Nam Phương/dantri.com.vn - Ngày 30/11/2020