Năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu lâm sản vẫn ước tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Ngày 1/12, tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đồng chủ trì Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”.
Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”. Ảnh VGP/Đoàn Bắc
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2020 trước những khó khăn, thách thức, nhất là sự tác động của dịch COVID-19; đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy ngành lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 phát triển bền vững, hiệu quả.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp; giá trị xuất khẩu lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt, giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để đạt được những kết quả này, trong những năm qua và trong năm 2020, toàn ngành đã đoàn kết, nỗ lực đổi mới, sáng tạo trên mọi phương diện, thể hiện tập trung ở nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, thực hiện hiệu quả các chính sách và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ, lâm sản được thực hiện lồng ghép tại các chính sách phát triển lâm nghiệp và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như chính sách miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định số 41 của Chính phủ); chính sách hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc (Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ) đã hỗ trợ và là niềm động viên lớn lao, tạo niềm tin và yên tâm cho các doanh nghiệp, người lao động ngành chế biến gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, tạo thêm động lực cho đổi mới, sáng tạo.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ theo hướng hiện đại. Trong 10 tháng đầu năm 2020 đã thành lập mới 1.730 doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để sản xuất các sản phẩm phụ trợ như sơn, keo, vật liệu trang trí bề mặt thay thế hàng nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo duy trì thị trường truyền thống. Trong khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ rừng và nhà quản lý trong toàn ngành đã sáng tạo và đổi mới phương thức, hình thức tiếp thị, bán hàng để duy trì bạn hàng và mở rộng thị trường; trong đó thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường quan trọng của gỗ, lâm sản Việt Nam.
Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp bước đầu cho thấy mang lại hiệu quả thiết thực và phù hợp với tình hình phát triển mới; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2011-2020 với nhiều chính sách phát triển rừng bền vững gắn bảo vệ phát triển rừng với an sinh xã hội nâng cao thu nhập đời sống đồng bào dân tộc.
Nhận định về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới là rất lớn, khoảng 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm; trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh, các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao.
Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Cung với đó, các Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), EVFTA và các hiệp định thương mại khác đang là cơ hội cho ngành chế biến, gỗ, lâm sản xuất khẩu.
Nằm trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An; Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức trưng bày, triển lãm với chủ đề “Kết nối thành tựu 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam” tại TP Vinh.
Theo Đỗ Hương/chinhphu.vn - Ngày 1/12/2020