Nguồn thực phẩm rất đa dạng, phong phú do đó cần phải biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm một cách khoa học để tốt cho sức khỏe. Để chọn được một chế độ ăn hợp lý cần phải biết được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể (bổ sung hoặc hạn chế chất gì) và kiến thức về các loại thực phẩm để có được sự lựa chọn phù hợp. Thực phẩm càng đa dạng (đủ các nhóm và nhiều loại trong cùng nhóm) càng dễ đáp ứng nhu cầu.
Nhu cầu dinh dưỡng chịu ảnh hưởng của tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, bệnh lý và mức độ hoạt động thể lực. Trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi), phụ nữ mang thai và cho con bú, vị thành niên, người cao tuổi có những nhu cầu đặc biệt về dinh dưỡng (đa lượng và vi lượng), do đó cần phải quan tâm và có hướng dẫn đặc thù để đáp ứng. Xu thế của thời đại với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng (thừa cân-béo phì, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, tăng huyết áp, gout…), việc lựa chọn thực phẩm thông minh để đảm bảo đa dạng nhưng tránh được các yếu tố nguy cơ lại càng trở nên quan trọng.
Lạm dụng thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường…
Ăn uống ngày nay gắn liền với ảnh hưởng của toàn cầu hóa, các vấn đề về văn hóa, du lịch… Ăn uống trở thành các sự kiện xã giao, người ta có thể nghĩ ra trăm ngàn cớ để tổ chức tiệc tùng. Ăn uống ở bên ngoài bắt đầu có xu hướng nhiều hơn ở gia đình, nhất là ở các đô thị. Ở nông thôn khi có các sự kiện (như giỗ chạp, cưới xin, họp lớp, họp họ, ngày lễ…) thường tổ chức ăn uống rất linh đình và đôi khi bị lạm dụng. Ở những bữa ăn này, thực đơn thường là những thức ăn nhiều chất dinh dưỡng và theo quan điểm của dinh dưỡng hiện đại là những bữa ăn chưa hợp lý.
Ngay cả những bữa ăn gia đình, nguồn thực phẩm cũng có những vấn đề bất cập như gạo xay xát quá trắng làm mất lớp vỏ cám và đây là nguyên nhân của bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng. Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn sử dụng transfat, các chất béo no bão hòa khiến tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Tiêu thụ nhiều đạm dẫn đến bệnh gout xuất hiện sớm ở cả người trẻ, chuyển hóa đạm dư dẫn đến các tổn thương thận sớm… Tiêu thụ đường tự do từ các sản phẩm chế biến như bánh kẹo, các loại nước ngọt, sữa có đường là hiện tượng phổ biến, lượng đường dư gây nguy cơ tích lũy mỡ và đó là thủ phạm của thừa cân béo phì ở trẻ em (bên cạnh việc tiêu thụ dư năng lượng), cũng như gia tăng tiểu đường ở tất cả các nhóm dân cư chứ không chỉ là bệnh của “nhà giàu”. Thực phẩm chế biến sẵn cũng sử dụng lượng muối cao dẫn đến mức tiêu thụ muối của người Việt cao gấp rưỡi so với khuyến cáo của WHO, là nguy cơ của bệnh tăng huyết áp và tim mạch.
Các thực phẩm được coi là lành mạnh như rau quả, cá thì lại không được coi là thức ăn “thời thượng” và được tiêu thụ thấp hơn so với mức khuyến cáo. Nguyên nhân có thể do khẩu vị vì cách chế biến và sự ưa chuộng kém hơn các thực phẩm khác. Bên cạnh đó là những nỗi lo về nguy an toàn thực phẩm trong việc trồng và bảo quản rau quả, thủy hải sản cũng làm giảm mức tiêu thụ. Thực phẩm sạch, an toàn thì gắn liền với giá thành cao, do đó người có thu nhập thấp khó có khả năng tiếp cận.
Mọi người cần ăn uống đa dạng và có lựa chọn thông minh để có được một chế độ ăn lành mạnh, an toàn, phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh tật, điều kiện kinh tế và các yếu tố văn hóa, xã hội, môi trường khác.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 01/12/2020