Cập nhật: 04/12/2020 09:26:00
Xem cỡ chữ

Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung thường không bắt đầu cho đến khi ung thư trở phát triển vào mô lân cận hoặc tiến triển nặng hơn.

Ung thư cổ tử cung có thể phát hiện sớm không?

Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là làm các xét nghiệm tầm soát thường xuyên. Các xét nghiệm để tầm soát ung thư cổ tử cung là xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap. Các xét nghiệm này có thể được thực hiện độc lập hoặc đồng thời.

Xét nghiệm thường xuyên đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và cứu sống được nhiều chị em. Điều quan trọng nhất cần nhớ là thường xuyên kiểm tra sức khỏe, bất kể bạn nhận được xét nghiệm nào.

Việc phát hiện sớm giúp cải thiện đáng kể cơ hội điều trị thành công các bệnh tiền ung thư và ung thư. Nhận thức được bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung cũng có thể giúp tránh chậm trễ trong chẩn đoán.

Ung thư cổ tử cung xếp thứ 2 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, sau ung thư vú.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu và tiền ung thư thường không có triệu chứng. Các triệu chứng thường không bắt đầu cho đến khi ung thư trở phát triển vào mô lân cận.

Khi điều này xảy ra, các triệu chứng phổ biến nhất là:

- Chảy máu âm đạo bất thường, như chảy máu sau khi quan hệ tình dục qua âm đạo, chảy máu sau khi mãn kinh, chảy máu và lấm tấm giữa các kỳ kinh hoặc có kinh (kinh nguyệt) kéo dài hơn hoặc nặng hơn bình thường. Chảy máu sau khi thụt rửa cũng có thể xảy ra.

- Tiết dịch bất thường từ âm đạo - dịch tiết ra có thể chứa một ít máu và có thể xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh.

- Đau khi quan hệ tình dục

- Đau ở vùng xương chậu

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể bao gồm:

- Sưng chân

- Vấn đề khi đi tiểu

- Có máu trong nước tiểu

Những dấu hiệu và triệu chứng này cũng có thể do các bệnh lý khác ngoài ung thư cổ tử cung gây ra. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đến gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe ngay lập tức. Việc bỏ qua các triệu chứng có thể cho phép ung thư phát triển sang giai đoạn nặng hơn và giảm cơ hội điều trị thành công.

Ung thư cổ tử cung là đứng thứ 2 trong số các loại ung thư phổ biến ở nữ giới.

Phòng ngừa bệnh

Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn ung thư. Nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc.

Các yếu tố thuận lợi của bệnh ung thư tử cung gồm:

- Quan hệ tình dục sớm trước 17 tuổi

- Quan hệ tình dục với nhiều người

- Sinh đẻ nhiều lần

Ở những phụ nữ sinh từ 3 con trở lên tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh 1 - 2 con.

- Viêm sinh dục do virus Herpes simplex và virus HPV

- Suy giảm miễn dịch, yếu tố nội tiết

- Các yếu tố khác: giống nòi, tình trạng kinh tế - xã hội, nghiện thuốc lá, thực phẩm thiếu sinh tố A, acid folic…

- Ung thư cổ tử cung liên hệ chặt chẽ với các bệnh lây qua đường tình dục.

Việc khám tầm soát ung thư cổ tử cung được khuyến cáo rất quan trọng với tất cả phụ nữ trên 21 tuổi. Trong đó, phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi cần làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung Thin-Prep pap test 3 năm/lần. Từ 30 đến 65 tuổi làm xét nghiệm Thin-Prep pap test và HPV 5 năm/lần. Chị em nên đi khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như ra máu ngoài kỳ kinh, ra máu khi đã mãn kinh, tiết dịch âm đạo bất thường…

Theo Hà An/dantri.com.vn – Ngày 3/12/2020