Thành phố Đà Nẵng xác định du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng là một trong năm mũi nhọn chính để phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2025.
Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng 2020. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Thành phố Đà Nẵng đang tập trung khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, tiếp tục phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố theo Nghị quyết 43-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố xác định du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng là một trong năm mũi nhọn chính để phát triển kinh tế. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đề ra hai kịch bản để phát triển du lịch của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Kịch bản thứ nhất được dự báo theo hướng nhận định lạc quan khi dịch bệnh được kiểm soát tại thành phố Đà Nẵng và Việt Nam vào thời gian cuối quý 4/2020, vắcxin ngừa COVID-19 được thử nghiệm thành công, cung cấp ra thị trường từ quý 3/2021.
Ngay từ đầu năm 2021, thành phố sẽ tập trung thực hiện quyết liệt có hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế” bằng việc triển khai các chương trình kích cầu nội địa, liên kết phối hợp kích cầu giữa các địa phương.
Với kịch bản này, tổng lượng khách du lịch tới thành phố sẽ đạt được khoảng 60-70% so với năm 2019; trong đó lượng khách nội địa phục hồi đạt khoảng 90% so với 2019. Lượng khách quốc tế phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, ước đạt khoảng 30% so với 2019. Năm 2022, sau khi mở cửa lại các đường bay quốc tế, tổng lượng khách hồi phục sẽ tương đương so với năm 2019 từ 8,6 đến 8,7 triệu lượt.
Cụ thể, ngành Du lịch phấn đấu đến năm 2025, tổng lượt khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 12,3 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 1,2 lần so với năm 2019. Khách nội địa ước đạt 8,1 triệu lượt, tăng 1,6 lần so với 2019. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2025 của tổng khách du lịch ước đạt 5-6%/năm.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tổng thu từ du lịch ước đạt 61.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2019; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2025 của tổng thu du lịch ước đạt 12-12,5%/năm; tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) phấn đấu đến năm 2025 đạt 27%.
Năm 2025, thành phố phấn đấu ngày lưu trú bình quân của du khách ước đạt 2,75 ngày, tăng 0,07 ngày so với năm 2019, trong đó ngày khách quốc tế lưu trú ước đạt 3 ngày, khách nội địa 2,53 ngày.
Kịch bản hai được đưa ra với dự báo theo hướng khi dịch bệnh được kiểm soát tại thành phố Đà Nẵng và Việt Nam vào thời gian quý 1/2021, vắcxin được thử nghiệm thành công vào cuối quý 4/2021để cung cấp cho người dân, song khách du lịch vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng việc đã kiểm soát dịch.
Dự kiến lượng khách nội địa năm 2021 phục hồi khoảng 55-65% so với năm 2019, lượng khách quốc tế rất ít, phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, chiếm khoảng 5% so với năm 2019. Trong quý 2/2022, thành phố sẽ mở cửa lại các đường bay quốc tế nhưng chỉ dành cho khách công vụ, chuyên gia, lao động nước ngoài.
Tổng lượng khách đạt khoảng 65-70% so với năm 2019, trong đó lượng khách nội địa phục hồi năm 2022 tương đương so với 2019, lượng khách quốc tế chỉ phần lớn là khách công vụ, các chuyên gia, lao động nước ngoài, ước đạt khoảng 30% so với năm 2019.
Năm 2023, thành phố sẽ mở lại hầu hết các đường bay quốc tế dành cho khách, các sản phẩm du lịch mới được đưa vào hoạt động, tổng lượng khách hồi phục tương đương với năm 2019 từ 8,6-8,7 triệu lượt.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tổng lượt khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 11,6 triệu lượt, tăng 1,3 lần so với năm 2019; trong đó khách quốc tế ước đạt 3,9 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 7,6 triệu lượt khách.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2025 của tổng khách du lịch ước đạt 4 -5%/năm. Về tổng thu du lịch, thành phố phấn đấu đến năm 2025 ước đạt 54 ngàn tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2019. Tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GRDP của thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 23,8%.
Năm 2025, thành phố phấn đấu ngày lưu trú bình quân của du khách ước đạt 2,75 ngày, tăng 0,07 ngày so với năm 2019, trong đó ngày khách quốc tế lưu trú ước đạt 3 ngày, khách nội địa 2,53 ngày.
Cùng với hai kịch bản trên, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển du lịch bền vững theo 5 định hướng trọng tâm. Trong đó, quy hoạch định hướng phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn, ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và Bán đảo Sơn Trà.
Thành phố sẽ định hướng thị trường tăng tỷ lệ vào khách có khả năng chi trả cao và đa dạng hóa thị trường khách quốc tế; định hướng về sản phẩm du lịch theo các nhóm chủ lực về du lịch biển, mua sắm, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực…
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh chia sẻ, để thực hiện hiệu quả kịch bản phát triển du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, thành phố đang tập trung triển khai đồng thời mục tiêu kép về phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới.
Thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm dịch vụ du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển du lịch; tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt chú trọng kinh tế ban đêm.
Đà Nẵng mở rộng quy mô ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động quản lý, khai thác, xúc tiến quảng bá để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách, thành phố đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động kinh doanh, phát triển.
Thành phố nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; đảm bảo môi trường du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phun thuốc khử trùng cáp treo tại Khu du lịch Bà Nà Hills. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Trần Lê Lâm (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/da-nang-de-ra-hai-kich-ban-phat-trien-du-lich-giai-doan-20212025/680978.vnp