Cập nhật: 18/12/2020 09:11:00
Xem cỡ chữ

Ước tính có tới 20-50% phụ nữ ngoài 30 tuổi và 70% phụ nữ 50 tuổi được chẩn đoán có u xơ tử cung (uxtc). trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có uxtc dễ gặp phải các biến chứng, cần được theo dõi thai kỳ sớm.

Mang thai có thể tăng kích thước UXTC

UXTC là loại u lành tính, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đến nay vẫn chưa có công trình khoa học nào xác định chính xác nguyên nhân gây UXTC. Tuy nhiên các chuyên gia đã khuyến cáo về những yếu tố nguy cơ, chủ yếu là chủng tộc. Theo đó, phụ nữ Nam Á, châu Phi và cùng Trung Đông có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các chủng tộc khác; một yếu tố nguy cơ khác là tuổi bà mẹ cao.

Các yếu tố bảo vệ giảm nguy cơ UXTC được ghi nhận bao gồm: tuổi dậy thì trễ, chu kỳ kinh nguyệt dài, sinh con nhiều lần, thời gian cho con bú kéo dài.

Dù là u lành tính, nhưng bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai. Những yếu tố của thai kỳ gây ảnh hưởng đến kích thước và tính chất UXTC bao gồm sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone, lượng máu đến tử cung và nồng độ của hCG (hormone có bản chất peptid, được tiết ra từ hợp bào nuôi, có vai trò kích hoạt các tế bào mầm của bào thai phát triển và trưởng thành, giúp kích thích tiết ra hormone sinh dục, hình thành giới tính của thai nhi). Trong giai đoạn thai kỳ, vị trí khối u, kích thước khối u có thể tăng giảm kích thước khác nhau. Ở các giai đoạn sau của thai kỳ, hoặc khối u ở vị trí cổ tử cung được khuyến cáo tăng kích thước nhanh hơn. Sự phát triển nhanh chóng kích thước của khối u gây thiếu máu và hoại tử, đồng thời tiết prostaglandin gây đau, chèn ép. Sản phụ và thai nhi rất dễ gặp các biến chứng.

U xơ tử cung

Các biến chứng và lưu ý dõi thai kỳ sớm

Dữ liệu về biến chứng thai kỳ ở phụ nữ có UXTC được báo cáo trong nhiều nghiên cứu của nhiều chuyên gia về sản, phụ khoa. Theo đó, trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có UXTC có nguy cơ gặp phải các biến chứng: sẩy thai, sinh non, bất thường bánh nhau và ngôi thai; tăng nguy cơ mổ lấy thai và lượng máu mất sau sinh.

UXTC thường diễn tiến âm thầm, triệu chứng khó nhận biết. Phát hiện khối u phải dựa vào siêu âm định kỳ trong thai kỳ. Có thể kết hợp chụp cộng hưởng từ, giúp phát hiện những khối u to nhanh, nghi ngờ ác tính (dù rất hiếm). UXTC có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bà mẹ lẫn thai nhi, do đó thai phụ cần được theo dõi thai kỳ để có những hướng điều trị phù hợp.

BS. Tô Mỹ Anh cho biết, yếu tố quan trọng trong điều trị cho phụ nữ mang thai bị UXTC là điều trị các triệu chứng đi kèm. Cần dự phòng  và điều trị thiếu máu trước sinh, để giảm nguy cơ xuất huyết nặng cũng như khả năng cần phải truyền máu. Điều trị giảm đau, kháng viêm ở khối u có triệu chứng, ưu tiên sử dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm an toàn trong thai kỳ. Chỉ định, sử dụng thuốc phải tuân theo đơn thuốc của bác sĩ.

Hầu hết UXTC không gây triệu chứng trong thai kỳ, nên phẫu thuật bóc UXTC là không được khuyến cáo. Phẫu thuật bóc khối UXTC trong thai kỳ tăng nguy cơ biến chứng như xuất huyết, vỡ tử cung, mất thai, sinh non. Tuy nhiên, việc phẫu thuật không thể trì hoãn trong một số trường hợp như: UXTC gây đau không đáp ứng điều trị nội khoa do u thoái hóa, u lớn phát triển nhanh, u có cuống bị xoắn. Phẫu thuật phải trên cơ sở tư vấn chi tiết các biến chứng của thai phụ.

U xơ tử cung

UXTC không phải là chỉ định mổ lấy thai. Hầu hết các thai phụ có UXTC có thể được theo dõi sinh ngả âm đạo một cách an toàn. Tuy nhiên dựa trên kích thước, vị trí của khối UXTC, tình trạng đáp ứng điều trị của thai phụ, bác sĩ có thể tư vấn chấm dứt thai kỳ cho để đảm bảo an toàn nhất cho người mẹ và thai nhi. Mổ lấy thai có thể được cân nhắc trong trường hợp UXTC gây cản trở đường xuống của thai do khối u to hoặc UXTC nằm ở đoạn dưới tử cung, hoặc khối u nằm giữa phần ngôi thai trình diện và cổ tử cung. UXTC nằm thấp ở đoạn dưới cũng có thể làm tăng tỷ lệ sót nhau.

Các bác sĩ khuyến cáo: “UXTC là loại u phụ khoa phổ biến nhất trong thai kỳ, thường lành tính, ít gây các triệu chứng. Các yếu tố thay đổi nội tiết, cấu trúc giải phẫu của thai phụ có thể tác động lên khối u, làm tăng kích thước, gây nhiều biến chứng: sảy thai, nhau bong non, nhau tiền đạo, ngôi bất thường, tăng tỷ lệ mổ lấy thai. Do đó, thai phụ có UXTC cần được khảo sát đặc điểm u, tư vấn về tiên lượng biến chứng, song song với kế hoạch theo dõi thai kỳ sớm”.

UXTC thường diễn tiến âm thầm, triệu chứng khó nhận biết. Phát hiện khối u phải dựa vào siêu âm định kỳ trong thai kỳ. Có thể kết hợp chụp cộng hưởng từ, giúp phát hiện những khối u to nhanh, nghi ngờ ác tính (dù rất hiếm). UXTC có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bà mẹ lẫn thai nhi, do đó thai phụ cần được theo dõi thai kỳ để có những hướng điều trị phù hợp.

Theo NGUYÊN NAM (ghi)/suckhoedoisong.vn - Ngày 16/12/2020